Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh

Quỳnh Trâm (thực hiện) - 02:44, 07/07/2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV – năm 2024 là dịp để tỉnh Thanh Hóa tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024; đồng thời ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tổ chức tiêu biểu, từ đó tạo ra không khí thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS, tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh. Báo Dân tộc và Phát triển đã phỏng vấn ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024, để rõ hơn ý nghĩa của sự kiện chính trị - xã hội quan trọng này.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ)  Tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thăm quan gian hàng Phiên chợ vùng cao 2024

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một số dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 05 năm qua (2019 – 2024)?

Ông Đầu Thanh Tùng: Kể từ sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ III – năm 2019 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thôn xóm, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tỉnh thực hiện đồng thời 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ)  Tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 1
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Cùng với các chính sách chung của Trung ương, lĩnh vực công tác dân tộc được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù. Trong đó có thể kể đến như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 624-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững; Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025;… Các chính sách đặc thù được tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực kịp thời, qua đó góp phần tăng thêm hiệu quả các chính sách chung của Trung ương triển khai trên địa bàn DTTS và miền núi của tỉnh.

Phóng viên: Từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ đó, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Ông Đầu Thanh Tùng: Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS của tỉnh đã giảm rõ rệt; đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi từng bước cải thiện và nâng cao; các lĩnh vực văn hóa, giáo duc, y tế,… đạt được những kết quả đáng ghi nhận; bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; quốc phòng – an ninh được giữ vững.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ)  Tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 2
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng sáng 05/7/2024

Đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 35.320 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,52%); 55.797 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,57%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền núi còn 25.651 hộ (chiếm tỷ lệ 11,04%), giảm 4,15% so với cuối năm 2022; tỷ lệ hộ cận nghèo ở 11 huyện miền núi còn 32.551 hộ (chiếm tỷ lệ 14,01%), giảm 3,06% so với cuối năm 2022. Cuối năm 2023, hộ nghèo là người DTTS của tỉnh còn 23.541 hộ (chiếm tỷ lệ 14,75%), giảm 8.632 hộ (tương ứng giảm 5,11%) so với cuối năm 2022.

Phóng viên: Những chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đã tác động như thế nào đến công cuộc xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi của tỉnh, thưa ông?

Ông Đầu Thanh Tùng: Cùng với các chương trình, dự án khác, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở khu vực miền núi của tỉnh. Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, từ đó thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần để các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh đã có 64/163 xã (đạt 39,3%), 647 thôn bản (đạt 35%) được công nhận đạt chuẩn NTM; 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 55 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Khu vực miền núi của tỉnh đã có 101 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (Ống hút tre, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân).

(BÀI CHUYÊN ĐỀ)  Tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 3
Khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa hiện có 101 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao

Phóng viên: Thưa ông, những kết quả trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc sẽ được đánh giá, tổng kết tại Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV – năm 2024. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Đầu Thanh Tùng: Nhìn lại 05 năm (2019 - 2024), lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những dấu ấn tích cực; tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã có những chuyển biến rõ nét, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, trong quá trình thực hiện chính sách ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn những tồn tại cần được đánh giá một cách toàn diện. Hơn nữa, thực tế hiện nay, tình hình sản xuất, đời sống trong vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; nhiều vấn đề thiết yếu, cấp bách trong đời sống của đồng bào vẫn cần được giải quyết triệt để.

Những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại sẽ được đánh giá, tổng kết tại Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV – năm 2024. Đại hội một lần nữa khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; ghi nhận, biểu dương công lao đóng góp to lớn của các DTTS trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà; là diễn đàn, là dịp để giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ)  Tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 4
Sản phẩm của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa được trưng bày, giới thiệu tại Phiên chợ vùng cao năm 2024, tổ chức tại huyện Quan Sơn

Phóng viên: Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện lần thứ IV – năm 2024. Ông có thể chia sẻ những đánh giá ban đầu từ kết quả của các Đại hội cấp huyện?

Ông Đầu Thanh Tùng: Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1497-CV/TU ngày 14/3/2024 để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp lần thứ IV – năm 2024. Đối với Đại hội cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, Ban Thường vụ Huyện ủy 11 huyện miền núi và 06 huyện, thị xã có thôn miền núi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, tiến tới Đại hội cấp tỉnh; đồng thời, đã quyết định phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp theo dõi, dự và chỉ đạo Đại hội cấp huyện.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện; tỉnh sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết, từ đó làm kinh nghiệm để tổ chức Đại hội cấp tỉnh. Bước đầu có thể khẳng định, Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp và cả hệ thống chính trị rất quan tâm chỉ đạo và phối hợp, tổ chức thực hiện đúng kế hoạch và hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, của Ban Chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa. Các nghi thức, nội dung chương trình diễn ra đúng theo yêu cầu; cơ cấu số lượng đại biểu theo thành phần dân tộc, độ tuổi đảm bảo đúng theo yêu cầu; số lượng đại biểu đến dự đông đủ.

Từ các Đại hội đã được tổ chức cho thấy, kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc từ năm 2019 đến nay đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng DTTS và miền núi của tỉnh, tạo điều kiện phát huy nội lực, ý chí tự cường của đồng bào các DTTS. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được nâng lên. Kết quả đó đã củng cố niềm tin, tiếp tục tăng cường kết nối đồng bào các dân tộc với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân tại địa phương, từ đó tiếp tục vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.