Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có 32,18% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, trong đó chủ yếu đồng bào Ê Đê, sống bằng nguồn thu nhập từ nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều người dân ở các thôn, buôn trên địa bàn huyện Cư Kuin đã đến các thành phố lớn làm việc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh tế trì trệ, lao động mất việc làm, trong đó, nhiều lao động có tay nghề trở về quê tránh dịch và có ý định ở lại quê nhà tìm việc làm mới.
Nhận thấy nguồn lao động tại địa phương là một tiềm năng lớn, ông Nguyễn Minh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nga Việt (kinh doanh trong lĩnh vực may mặc tại TP. Hồ Chí Minh), đã quyết định trở về quê mở công ty may mặc, tạo việc làm cho công nhân tại chỗ.
Anh Trọng chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại huyện Cư Kuin. Thấy nhiều đồng hương của mình phải xa nhà, nhiều vợ chồng phải gửi con cho ông bà nuôi để đên những thành phố lớn, tôi quyết định về đây mở xưởng may, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân tại chỗ, vừa phát triển ngành mới tại địa phương”.
Tháng 3/2022 vừa qua, Công ty TNHH Nga Việt Đắk Lắk được thành lập. Thời gian đầu, Công ty được chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho mượn trụ sở Trung tâm dạy nghề cũ của huyện để hoạt động, với quy mô 2 chuyền sản xuất, giải quyết việc làm cho 100 lao động tại chỗ.
Mặc dù, phát triển nghề may tại huyện Cư Kuin rất khó khăn bởi nhiều yếu tố từ xưởng may, tay nghề nhân công...,nhưng hơn nửa năm đi vào hoạt động, Công ty luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên đã từng bước đi vào hoạt động ổn định. Đến nay, Công ty đã mở rộng quy mô 4 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho gần 200 lao động tại địa phương. Trong đó, có cả lao động các huyện, tỉnh khác đến làm.
Chia sẻ với phóng viên, chị H’Uit Byă, trú buôn Kpung, xã Hoà Hiệp phấn khởi khoe: Chị muốn đi làm công nhân may từ lâu nhưng vì gia đình neo người, không thể đi làm xa nên đành ở lại địa phương làm nương rẫy. Từ khi Công ty TNHH Đầu tư Nga Việt Đắk Lắk về mở xưởng may tại huyện, chị nắm cơ hội xin việc ngay. “Tôi chưa có tay nghề nhưng công ty vẫn tuyển và đào tạo tôi từ đầu. Đến nay, tôi vừa có công việc, có thêm thu nhập lại gần nhà tôi rất vui. Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc tại công ty”.
Ngoài người dân tại chỗ, nhiều lao động khác ở địa phương, sau khi trở về từ các thành phố lớn cũng vui mừng vì vừa ở gần nhà chăm sóc con cái, vừa làm đúng nghề và có thu nhập ổn định.
Chị H’Det Byă (trú Buôn Khít, xã Ea Buôk, là một trường hợp như vậy. Chị H’Detlàm công nhân tại tỉnh Đồng Nai, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trở về địa phương. Chị Det chia sẻ, làm việc tại Đồng Nai tuy có mức thu nhập cao hơn ở Đắk Lắk, nhưng sau khi trừ tiền thuê nhà trọ và chi phí sinh hoạt khác, số tiền dành dụm lại không còn được là bao.
Hiện nay, cả hai vợ chồng chị H’Det đều là công nhân may tại công ty, với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Chị H’Det kể: Lúc trước hai vợ chồng đi làm xa, cũng mang theo hai con, gia đình 4 người sống trong phòng trọ chật hẹp nên tôi thương các con lắm. Giờ đây vừa về quê, để các con có ông bà, hàng xóm vừa có việc làm để hai vợ chồng làm chúng tôi rất vui, chỉ mong công ty ổn định sản xuất tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân.
Theo ông Trọng, việc sử dụng nguồn nhân lực địa phương mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho công ty, mà lao động có tích lũy thu nhập bởi chi phí thấp. Kế hoạch của công ty thời gian tới là, sẽ mở rộng quy mô để khai thác tối đa tiềm năng nguồn nhân lực lao động tại địa phương này.