Anh Trương Tuấn Minh, dân tộc Tày bắt đầu triển khai nuôi cá lồng từ năm 2013, tại lòng hồ thủy điện Na Hang. Ban đầu chỉ với 6 lồng cá, sau tăng lên 20 lồng và đến nay đã lên đến 40 lồng, với sản lượng trên 40 tấn cá/năm. Giống cá nuôi chủ yếu tập trung là cá lăng đen thương phẩm, mỗi năm cho thu lợi lên đến hơn 700 triệu đồng.
Anh Nguyễn Việt Hòa thôn Cốc Phát, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, lựa chọn cho mình giống cá anh vũ để khởi nghiệp. Thời gian đầu nuôi cá, được anh ví như “đánh bạc” bởi cá giống đắt, khó nuôi. Tuy nhiên trời không phụ công người, sau 4 năm (2015-2018) lồng cá anh vũ của anh Hòa đã xuất ra thị trường gần 4,5 tấn cá với giá từ 500 đến 1 triệu đồng/kg.
Theo anh Chẩu Chung Kiên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) huyện Na Hang thông tin: “Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của huyện Na Hang đã đạt trên 360 tấn. Ước tính đến hết năm 2019, sẽ đạt trên 730 tấn cá bán ra thị trường, vượt 100% kế hoạch tỉnh đề ra”.
Nhằm phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm theo hướng sản xuất hàng hóa, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-HDND về quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Trong đó, tỉnh ưu tiên tập trung phát triển nuôi cá đặc sản “ngũ quý” (cá chiên, cá bỗng, cá rầm xanh, cá anh vũ và cá lăng). Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2020 sẽ đạt 12.234ha diện tích nuôi trồng thủy sản và sản lượng đạt trên 8.000 tấn/năm.
Được biết, tháng 5/2016, tỉnh Tuyên Quang có 2 đơn vị là Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang và Trang trại Trương Thị Hoài Linh vinh dự nằm trong tốp 69 đơn vị dẫn đầu được Bộ NN&PTNT công bố, công nhận “Địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch”. Đây cũng là hai đơn vị nuôi trồng thủy sản nước ngọt tiên phong đầu tư tại Tuyên Quang nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Các loại cá đặc sản gồm cá lăng, cá chiên, cá bỗng, cá dầm xanh và cá anh vũ. Đây cũng được xác định là hướng đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và duy trì thương hiệu cá đặc sản “ngũ quý” của tỉnh Tuyên Quang.
Tính đến hết năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản trên ao hồ đạt hơn 3.200ha, toàn tỉnh hiện có 563 hộ chăn nuôi với số lồng cá trên 1.940 lồng. Tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thành công việc nhân giống những loài cá thuộc “ngũ quý” để thực hiện mục tiêu hướng tới bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu những giống cá đặc sản.
Theo đó, Tuyên Quang phấn đấu, đến năm 2020 sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng của tỉnh với tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.000 tấn mỗi năm, trong đó trên 800 tấn cá đặc sản. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt gần 10.000 tấn, trong đó cá đặc sản là gần 1.500 tấn. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc tận dụng, khai thác tốt thế mạnh tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh để phát triển kinh tế, làm “bàn đạp” giảm nghèo tại địa phương.
NGHĨA HIỆP