Anh Nguyễn Hữu Quý sinh ra, lớn lên tại vùng nông thôn miền núi Đồng Kỳ nghèo khó, công việc chủ yếu là làm đồng ruộng. Ngày xưa, ở quê anh nhà nào cũng nuôi một số lượng nhỏ gà, ngan, vịt… chủ yếu để phục vụ trong gia đình, thỉnh thoảng mới đem ra chợ bán nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Sau thời gian tham gia quân ngũ, anh quyết định quay về quê hương xây dựng gia đình và tìm kiếm một nghề nghiệp khác để mưu sinh. Ngày ấy, anh Quý cũng theo người ta đi chợ buôn bán, nhưng anh thấy công việc vất vả, thường xuyên đi xa mà đồng lãi kiếm được cũng chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu. Gia đình anh có 5,4 ha đất đồi rừng, anh quyết định vừa trồng cây vừa nuôi gà trong thời gian chờ cây lớn.
Anh Quý chia sẻ: “Những năm đầu, tôi nuôi khoảng 3.000 con gà lai chọi quanh vườn nhà. Thấy gà có sức đề kháng tốt, lớn nhanh, ít bệnh tật, phù hợp với địa hình đồi núi. Mỗi năm, tôi nuôi 2 lứa, lợi nhuận thấy rõ nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô diện tích lên hơn 5.000 ha với 20 chuồng nuôi, sản lượng hơn 40.000 con gà/năm. Trang trại gà nằm trên đồi, xung quanh là các cây vải, keo, bạch đàn, vừa lấy gỗ, vừa tạo không gian thoáng mát cho gà sinh trưởng, tận dụng được nguồn phân gà để bón cho cây”.
Anh Quý kể về những khó khăn vất vả trong thời gian đầu xây dựng trại gà. Lúc đầu chưa có đường đi, địa hình thì mấp mô, gập ghềnh, vợ chồng anh tính đi thuê máy móc về để ủi nhưng không thuê được. Hai vợ chồng tự tay đào hàng chục khối đất đồi; kéo xe cải tiến chở vật liệu lên tận đỉnh đồi để làm nhà cho gà. Bàn tay, bàn chân chai sạn hết. Trang trại gà của anh được khoanh lưới bảo vệ, tránh tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài, đảm bảo thoáng mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông vì có thêm hệ thống đèn sưởi.
Anh cho biết thêm, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai tại quê hương, chúng tôi có cơ hội giao lưu học hỏi các kỹ thuật nuôi gà chất lượng cao nhằm tạo ra thịt thơm ngon, đặc biệt là xây dựng được thương hiệu "Gà đồi Yên Thế". Để gà có mã đẹp, bán có lãi phụ thuộc nhiều yếu tố như mức cân nặng phải đạt từ 2,7-2,8 kg vào mùa Đông và 2,4 - 2,5 kg vào mùa Hè. Nguồn giống gà phải khoẻ mạnh, chuồng trại được che chắn cẩn thận, bảo đảm thông thoáng, đủ ánh sáng. Để gà có mã lông đẹp hút khách, khi gà con được 12-14 ngày tuổi là phải dùi mỏ; tiếp đó, khi gà hơn 50 ngày tuổi thì dùi mỏ lần 2 và tiêm vắc-xin phòng bệnh, bổ sung vitamin đúng kỳ để gà hấp thụ tốt.
Vì gà được nuôi trên núi yên tĩnh, ít tiếp xúc với tiếng ồn nên anh Quý thường xuyên cho gà nghe nhạc bằng cách lắp hệ thống loa trong chuồng, giúp gà không hoảng loạn khi có người đến cho ăn hoặc làm vệ sinh, đồng thời gà sẽ nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn. Anh cũng áp dụng công nghệ sinh học và lắp hệ thống tự động cho việc cung cấp thức ăn và nước cho gà.
Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, anh Nguyễn Hữu Quý thực hiện các biện pháp khử trùng như rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Anh để ngơi chuồng khoảng 3 tháng để tiêu diệt sạch các mầm bệnh trước khi thả lứa gà tiếp theo. Vì là khu chăn nuôi rộng lớn nên công tác vệ sinh luôn được quan tâm, toàn bộ chất thải, vỏ bao bì, chai, lọ đều được anh thu gom, xử lý. Riêng phân gà ủ mục tái sử dụng để chăm bón cho cây rừng.
Về đầu ra thì khỏi lo! Các thương lái ở Hà Nội và các vùng lân cận, các siêu thị về tận nơi thu mua. Doanh thu từ nuôi gà năm 2022 của gia đình anh Quý đạt 8,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 2,4 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, trang trại xuất bán hơn 30.000 con gà với giá hiện nay là 77.000 đồng/kg, thu về tổng cộng hơn 2 tỷ đồng. Trang trại của anh luôn có khoảng 14 lao động với thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng.
Không những làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Hữu Quý còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vận động người thân hiến đất làm đường bê tông. Hàng năm, anh ủng hộ quỹ vì người nghèo, tết vì người nghèo, quỹ khuyến học, hộ gia đình khó khăn tại địa phương hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần quan trọng vào tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo. Đối với huyện Yên Thế, chúng tôi chú trọng phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: gà đồi Yên Thế, vải thiều, dê thương phẩm, rừng kinh tế... Huyện Yên Thế là huyện đầu tiên của miền Bắc được công nhận vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà. Riêng mô hình nuôi gà lai chọi của anh Nguyễn Hữu Quý nhiều năm nay đã trở thành một điểm đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm cho nhiều nông dân ở trong và ngoài tỉnh.