Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nuôi dưỡng niềm đam mê và trách nhiệm cho những người hết lòng với văn hóa dân tộc

Song An - 06:44, 13/11/2022

Di sản văn hóa phi vật thể được sinh ra trong đời sống cộng đồng và được gìn giữ, phát huy tốt nhất trong cộng đồng. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, người trẻ dần quên đi những giá trị văn hóa truyền thống, thì vai trò của các nghệ nhân lại càng quan trọng. Hiện nay, các nghệ nhân không chỉ được Đảng, Nhà nước tôn vinh mà còn được hưởng những chính sách đãi ngộ thiết thực, kịp thời để những “báu vật sống” chuyên tâm cống hiến cho công tác bảo tồn, truyền giữ văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Lường Thị May (người đi đầu) làm chủ nghi thức xin nước tại Tết Bun Huột Nặm của đồng bào Lào ở Na Sang.
Nghệ nhân Lường Thị May (người đi đầu) làm chủ nghi thức xin nước tại Tết Bun Huột Nặm của đồng bào Lào ở Na Sang.

Những “báu vật sống”

Trong hầu hết lễ hội, sự kiện văn hóa của cộng đồng dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biện) đều có sự hiện diện của Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May. Bà được biết đến bỡi những cống hiến, đóng góp không nhỏ cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của người Lào ở Ðiện Biên. Đồng thời cũng là một trong số rất ít người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, thể hiện gần như nguyên vẹn các bài dân ca, dân vũ, tế lễ, nghi thức dân gian của dân tộc Lào.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu văn hóa Núa Ngam, tuổi thơ bà May gắn liền với những điệu hát ru từ các bà, các mẹ. Sau khi học xong chương trình phổ thông, bà May có 5 năm tham gia giảng dạy xóa mù chữ tại địa phương trước khi chuyển sang công tác tại Hội Phụ nữ xã. Cũng từ đây, tình yêu văn hóa, văn nghệ trong bà như có thêm cơ hội để phát huy, nuôi dưỡng.

Tranh thủ mọi cơ hội tiếp cận với các bà, các mẹ trong bản, trong xã, bà May tìm hiểu, ôn lại các bài hát ru, hát giao duyên, cưới hỏi, hát mừng bản, mừng mường hay các điệu múa lăm vông, múa vui mùa vụ… Sau đó bà thực hành và biểu diễn trong các dịp lễ, tết hay những cuộc thi văn nghệ diễn ra tại địa phương.

Năm 1992, bà May vinh dự đại diện cho tỉnh Lai Châu (cũ) tham gia cuộc thi Hát ru tại TP. Huế và đoạt giải Nhất. Đến năm 2011, sau khi nghỉ hưu, bà dành toàn bộ thời gian để đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, khôi phục nhiều loại hình văn hóa dân gian của dân tộc. Ngoài các điệu múa, trò chơi dân gian, bà bắt đầu sưu tầm tài liệu về các bài cúng, các lễ hội như: Mừng cơm mới; lễ tạ ơn; mừng nhà mới; lễ đưa dâu về nhà chồng, múa lăm vông…

Trong đó, tiêu biểu phải kể đến việc phục dựng thành công tết Té nước (Bun Huột Nặm) của người Lào. Ngày nay, Tết té nước của dân tộc Lào đã được khôi phục, duy trì tổ chức thường niên không chỉ với người Lào Núa Ngam mà còn ở nhiều cộng đồng dân tộc Lào các địa phương trong tỉnh Điện Biên. Lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, mặc dù đã gần bước sang tuổi 70 song nghệ nhân Lường Thị May vẫn miệt mài truyền dạy các bài dân ca, dân vũ và một số lễ hội, nghi thức dân gian khác của dân tộc Lào cho thế hệ trẻ và cộng đồng người Lào ở các xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), Mường Luân (huyện Điện Biên Đông)…

Cũng như bà May, ở tuổi 78, Nghệ nhân ưu tú Quàng Văn Hom, bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên vẫn giữ thói quen thổi pí hàng ngày và chế tác ra những cây pí mang âm điệu của núi rừng. Ông Hom tâm sự, năm 12 tuổi, ông bắt đầu học cách làm pí và sử dụng các loại pí khác nhau. Hai năm sau, ông đã thổi pí thành thạo, tự tin tham gia các lễ hội trong vùng. Tính đến nay đã hơn 60 năm, cây pí cùng ông trải qua những vui buồn, thăng trầm của cuộc sống. Giá trị hơn, ông Hom đã truyền dạy cho hơn 100 người cách thổi, lấy hơi, luyến láy giai điệu pí.

Dù đã ở tuổi 78, song nghệ nhân Quàng Văn Hom vẫn giữ thói quen thổi pí hàng ngày.
Dù đã ở tuổi 78, song nghệ nhân Quàng Văn Hom vẫn giữ thói quen thổi pí hàng ngày.

“Sử dụng pí không khó, nhưng để chế tác ra nó thì yêu cầu kỳ công, kiên nhẫn, tỉ mỉ lắm. Bởi vậy cho đến giờ vẫn chưa tìm được người kế tục thực sự say mê, yêu thích. Tôi mong những năm tháng còn lại có thể dốc hết những hiểu biết, kỹ năng về pí và các loại nhạc cụ truyền thống để truyền dạy cho thế hệ sau. Làm sao để những giá trị ấy sẽ luôn được gìn giữ, phát huy dẫu trong bất cứ giai đoạn nào”.

Động lực “cống hiến”

Cả đời gắn bó với cây pí (nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái), năm 2018 ông Hom được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với ông, đây là niềm vinh dự và đầy tự hào ghi nhận cả quá trình cống hiến tình yêu của bản thân với văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ông Hom cũng thẳng thắn chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên ông không thể giành nhiều thời gian, tâm huyết cho thứ “tình yêu” đặc biệt này. Đặc biệt là việc tham gia các hoạt động truyền dạy, phổ biến, quảng bá làn điệu pí.

“Cho đến khi chính thức được hưởng trợ cấp của Nhà nước từ Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mặc dù số tiền không lớn, song nguồn hỗ trợ đều đặn giúp tôi giảm bớt gánh nặng kinh tế hàng tháng. Thêm vào đó, tôi cũng thấy mình càng cần phải có trách nhiệm hơn trong hoạt động góp sức gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình, sao cho đúng như danh hiệu Nhà nước phong tặng”, ông Hom bộc bạch.

Tương tự, nghệ nhân Lò Thị Phúc, bản Lọng Bon, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cũng đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Khoản tiền này đã hỗ trợ bà rất nhiều trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.

Nghệ nhân ưu tú Hù Văn Sẩm thực hiện nghi lễ trong Tết Hoa truyền thống của dân tộc Cống.
Nghệ nhân ưu tú Hù Văn Sẩm thực hiện nghi lễ trong Tết Hoa truyền thống của dân tộc Cống.

Sinh sống tại địa bàn miền núi khó khăn, kinh tế gia đình bà Phúc cũng eo hẹp. Căn nhà sàn cũ kỹ, đơn giản là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của đôi vợ chồng già. Vì không có thu nhập thường xuyên, lại thường xuyên đau nhức xương khớp, khó lao động, đi lại nên thường ngày bà Phúc và chồng chỉ quanh quẩn cắt cỏ, chăn châu, trồng vài luống rau. Mỗi lần ốm đau, hay có việc lại chạy vạy vay mượn hàng xóm để lo toan.

“Tuy mức hỗ trợ 700.000 đồng/tháng không cao, nhưng với chúng tôi là nguồn động viên rất lớn. Vừa giúp tôi có thêm đồng mua thuốc khi đau ốm mà cũng cảm thấy được quan tâm hơn. Từ ngày nhận phụ cấp, chồng tôi cũng động viên yên tâm, dành thời gian để tiếp tục sưu tầm, sáng tác những lời ca, câu hát của dân tộc mình”, bà Phúc chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 28 người đã được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau: Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Lào, Cống, Xinh Mun... Theo đánh giá từ Ngành Văn hóa địa phương, đây là những cá nhân thực sự tiêu biểu, xuất sắc, đang nắm giữ các loại hình di sản văn hóa khác nhau của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.

Tuy nhiên, hầu hết nghệ nhân đã cao tuổi, sống ở vùng cao, nông thôn, gia đình thuần nông, trông chờ vào ruộng nương, không có thu nhập ổn định. Đơn cử như các nghệ nhân: Lò Văn Keo (huyện Mường Ảng); Giàng A Sử, Mào Văn Nom, Sình A Tâu, Phàn Quang Châu (huyện Tủa Chùa); Lò Văn Pháng (Điện Biên Đông); Khoàng Văn Dọng, Lò Thị Lom, Quàng Thị Dua (Mường Chà)...

Qua rà soát, hiện có 21 Nghệ nhân ưu tú trong số này hoàn cảnh khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở. Dựa trên những yếu tố này, UBND các địa phương tại Điện Biên đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho 21 nghệ nhân hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Trong đó, 5 nghệ nhân hưởng mức trợ cấp 850.000 đồng/tháng,15 nghệ nhân hưởng mức 700.000 đồng/tháng. Đồng thời tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho các nghệ nhân thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.