Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nước mắt nông dân đã rơi từ đợt mưa lũ trái mùa...

Khánh Ngân - 11:33, 28/04/2022

Sau trận lũ trái mùa trong những ngày đầu tháng 4, hàng trăm ha lúa đông xuân đang thời kỳ làm đòng bị ngập sâu trong nước, nhiều diện tích nuôi thủy sản cũng tràn theo con nước, nhiều nông dân ở Lệ Thủy (Quảng Bình) và huyện Hải Lăng (Quảng Trị) rơi vào cảnh trắng tay!

 Khi xuất hiện mưa lũ trái mùa, chính quyền và người dân xã Hoa Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã nỗ lực tạo đê để ngăn nước ngập vào lúa xuân
Khi xuất hiện mưa lũ trái mùa, chính quyền và người dân xã Hoa Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã nỗ lực tạo đê để ngăn nước ngập vào lúa xuân

Như thường lệ, người nông dân dồn lực đầu tư vào vụ lúa đông xuân vì ít sâu bệnh, tránh được lũ lụt. Thế nhưng, trận mưa lũ trái mùa đầu tháng 4, đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa đông xuân ở hai huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Nhiều vùng ngập sâu, ngập lâu khiến cho cây lúa không còn khả năng phục hồi. Ngoài số diện tích lúa xuân, nhiều diện tích nuôi thủy sản cũng bị nước cuốn trôi. Nỗi âu lo trắng tay từ vụ đông xuân đã hiện hữu, nước mắt người nông dân đã rơi do lũ trái mùa!

Tại xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mưa trái mùa đã gây thiệt hại nặng nề. Toàn xã có 726 ha lúa bị ngập sâu, ngập nhiều ngày nên không còn khả năng phục hồi sinh trưởng. Ngoài ra, có 450ha lúa cá của người dân mất trắng, với hơn 13 tấn cá, tôm, ước tính tổng thiệt hại khoảng 24 tỷ đồng.

Do ngập sâu, ngập lâu nên nhiều diện tích lúa xuân ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không còn khả năng phục hồi sinh trưởng
Do ngập sâu, ngập lâu nên nhiều diện tích lúa xuân ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không còn khả năng phục hồi sinh trưởng

Anh Nguyễn Công Phát ở thôn 2, buồn bã: Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi trồng 5ha lúa-cá, trong đó, có 1ha nuôi tôm càng xanh. Nếu không có mưa lớn trái vụ, sau khi thu hoạch, gia đình sẽ có lãi khoảng trên dưới 300 triệu đồng. Nhưng, với tình hình lúa cá ngập nước nặng như vừa qua, năng suất lúa coi như bỏ. Buồn nhất, là gần 50.000 con cá chép, lóc, cá rô đầu vuông gần đến kỳ thu hoạch và 60.000 con tôm càng xanh bị nước lũ xóa sạch.

Không riêng gì xã Hoa Thủy, một số xã vùng thấp trũng ở huyện Lệ Thủy cũng bị thiệt hại lớn trong trận mưa trái mùa vào đầu tháng 4.

Theo thống kê từ phòng Nông nghiệp, toàn huyện có 2.276ha lúa bị ngập từ 70% cây lúa trở lên, trong đó, 1.920ha ngập hoàn toàn, trọng điểm ngập là các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy... Ngoài ra, còn có 917 ha lúa-cá bị ngập và 87,1 ha rau màu bị ngập hoàn toàn...

Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy buồn bã thông tin: Hiện nhiều hộ dân trên địa bàn đều đang nợ vật tư nông nghiệp, dự kiến sau thu hoạch vụ mùa sẽ thanh toán, nhưng mưa trái mùa đã nhấn chìm tất cả, vì vậy, người dân càng khó chồng thêm khó. Trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế nên chưa thể hỗ trợ được.

Nhiều diện tích nuôi thủy sản ở Lệ Thủy (Quảng Bình) và Hải Lăng (Quảng Trị) đã bị nhấn chìm, gây thiệt hại nặng cho người nuôi
Nhiều diện tích nuôi thủy sản ở Lệ Thủy (Quảng Bình) và Hải Lăng (Quảng Trị) đã bị nhấn chìm, gây thiệt hại nặng cho người nuôi

Cũng từ đợt mưa lũ trái mùa này, toàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có 6.475 ha lúa đông xuân, 2.130 ha hoa màu bị ngập hoàn toàn không còn khả năng tái sinh. Cùng với Hải Lăng, nhiều huyện vùng thấp trũng ở Quảng Trị cũng bị ảnh hưởng nặng. Toàn tỉnh đã có hơn 10.000ha lúa bị ngập nặng, trong đó phần lớn diện tích không có khả năng phục hồi sinh trưởng.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, đợt mưa lũ trái mùa vừa qua, đã làm cho nhiều diện tích lúa xuân, hoa màu trên địa bàn huyện mất trắng. Huyện đã họp bàn về phương án an sinh xã hội cho bà con sau lũ; đồng thời đề xuất với UBND tỉnh, Cục trồng trọt để có phương án sản xuất vụ hè thu sớm để đảm bảo lương thực.

Trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao từ đầu vụ, người nông dân đã gồng mình đầu tư. Theo tính toán mỗi ha lúa đông xuân đến thời điểm làm đòng, người nông dân phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng. Khi lũ trái mùa đổ về, nhiều nông dân tay trắng còn lâm vào cảnh nợ vật tư. Nếu không có những chính sách để hỗ trợ người nông dân phục hồi sản xuất, nguy cơ thiếu lương thực, đói trong giáp hạt là điều khó tránh khỏi.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.