Cách đây 20 năm, Nậm Sò vẫn còn là một dải đất hoang với bom, mìn sót lại sau chiến tranh biên giới. Giao thông cách trở; hủ tục, tập quán canh lạc hậu khiến cái đói, cái nghèo bám riết lấy từng hộ người Mông, người Dao. Với vai trò là Trưởng thôn, bà Dẩn cùng một số hộ dân, đã tiên phong đến vùng đất này theo chủ trương di dân ra biên giới.
Theo lời bà Dẩn kể, những ngày đầu về nơi ở mới bà con Nhân dân trong thôn gặp vô vàn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa có, đồng đất hoang vu, "tôi động viên bà con phải kiên trì, từng bước khắc phục chứ không thể một sớm một chiều mà có thể thay đổi được. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm tuyên truyền bà con phải ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sạch sẽ thì mới có sức khỏe…”.
Khi những hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, cũng là lúc bà Dẩn thực hiện một “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp. Đó là vận động người dân chuyển những cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây dứa, quế, chuối và nuôi thủy sản. Bằng kinh nghiệm học hỏi được từ nhiều nơi, các mô hình phát triển kinh tế được bà Dẩn đưa vào nhanh chóng phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao.
Trước đây, hộ gia đình bà Tẩn Thị Tích là một trong những hộ khó khăn nhất của thôn. Được bà Dẩn hướng dẫn, vận động đưa các cây trồng có giá trị kinh tế thay cho cây ngô, cây lúa truyền thống. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của gia đình. Căn nhà xây dựng khang trang là thành quả cho những cố gắng nỗ lực của cả gia đình bà Tích sau bao năm mong đợi.
“Những ngày đầu di chuyển về nơi ở mới, bà con trong thôn ai cũng gặp khó khăn; chị Dẩn bảo thôi thì bây giờ phải cố gắng, trồng dứa, trồng các cây ăn quả… trồng cái gì có thu nhập thì bà con trồng. Nghe lời chị Dẩn bà con trong thôn ai cũng đồng lòng, cố gắng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo”, bà Tích chia sẻ.
Sau 20 năm khai hoang, với biết bao mồ hôi, công sức của người dân nơi đây, Nậm Sò đã có bước đổi thay mạnh mẽ. Những ngôi nhà cao tầng nằm lẩn khuất sau tán rừng tươi tốt; những con đường sạch sẽ; nếp sống mới cũng dần hiện hữu nơi đây…
“Bà Dẩn và bà con trong thôn đã tiên phong ra biên giới giữ làng, giữ nước. Với vai trò là Trưởng thôn bà Dẩn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phòng trào do địa phương phát động. Là người địa phương nên việc tuyên truyền vận động của bà Dẩn cũng rất hiệu quả, nhất là trong phong trào xây dựng Nông thôn mới…”, ông Phan Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phiệt nhận xét.
Bà Dẩn chia sẻ, để việc vận động, tuyên truyền đạt hiệu quả thì "cái gì mình đi đầu, mình nói là làm; không làm được thì không nói. Nói đúng thì bà con mới nghe…". 64 tuổi đời, 23 năm tuổi Đảng, những cống hiến của nữ đảng viên người Dao Đặng Thị Dẩn đang góp phần làm “thay da, đổi thịt” vùng đất khó Nậm Sò.