Qua 208 trang sách, các thời kỳ lịch sử từ thuở sơ khai lập nước cho đến thời đại phong kiến sụp đổ, các nhân vật lẫn sự kiện quan trọng đều được "diễn họa" (vẽ tranh đi kèm nội dung) với ngôn từ dễ hiểu và 100 bức tranh minh họa gần gũi với trẻ em.
Tình yêu với sử Việt, đặc biệt là trang phục Việt cổ, khiến Thanh Huyên sớm ấp ủ về một dự án sách sử của riêng mình: "Các cuốn sách lịch sử đa phần dài và khó đọc. Bởi vậy tôi muốn làm cuốn sách sử với hình minh họa dễ thương để người đọc cảm thấy hấp dẫn và dễ hình dung nhất có thể".
Việt sử diễn họa được Thanh Huyên thực hiện khoảng 1 năm. Cô chia sẻ khó khăn lớn nhất mình gặp phải là tìm kiếm tư liệu, nhất là tư liệu về trang phục vì đã mất mát khá nhiều.
"Tư liệu về trang phục thời Ngô, Đinh, Tiền Lê rất hiếm nên tôi chỉ tham chiếu các thời song song ở Trung Quốc như Đường, Tống và phỏng tác lại. Tôi cũng tham khảo tư liệu từ các cuốn Ngàn năm áo mũ, Dệt nên triều đại.
Ví dụ trong đó ghi vua mặc áo giao lĩnh, đội mũ Đường cân và thắt thao, tôi vẽ lại khái quát và thêm thắt hoa văn cho đẹp hơn. Tôi cũng lên các hội nhóm về sử Việt và đến các bảo tàng có trưng bày các hiện vật từ thời Đông Sơn, tượng cổ thời Lê Trung Hưng... để đưa vào tranh minh họa. Vì tư liệu ít nên không thể đảm bảo sát sử hoàn toàn nhưng tôi cố gắng mô phỏng gần nhất có thể" - nữ họa sĩ, một trong những thành viên của nhóm Đại Việt cổ phong, nói.
Việt sử diễn họa được huy động tài chính bằng hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Đây là hình thức gọi vốn được đánh giá cao trên thế giới, giúp các nghệ sĩ trẻ có cơ hội đem tác phẩm của mình tới gần hơn với công chúng. Thanh Huyên cũng chia sẻ nhờ vào đó mà cô bớt áp lực hơn trong việc xuất bản cuốn sách.
"Sử Việt vẫn chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Tôi mong muốn những gì mình làm sẽ góp phần khôi phục nền cổ phong của Việt Nam, cũng như hi vọng nhiều bạn trẻ sẽ yêu và tìm hiểu về lịch sử văn hóa nước mình để xây dựng một nền văn hóa mạnh như các nước khác" - Thanh Huyên chia sẻ.
Hiện tại, Thanh Huyên đang tiến hành thực hiện một game thuần Việt về trang sức, áo quần thời Nguyễn, dự kiến ra mắt sớm nhất vào năm sau./.