Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nữ Bí thư Huyện ủy: Nỗ lực giảm nghèo cho vùng đất khó

Quỳnh Trâm - 11:59, 16/10/2020

“Làm sao để giảm nghèo, để bà con làm giàu trên chính quê hương? Làm sao để vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương. Đó là câu hỏi mà người đứng đầu cấp ủy luôn đau đáu đi tìm câu trả lời. Để làm được, trước hết phải thay đổi tư duy, phải liên tục học hỏi”, bà Bùi Thị Mười, dân tộc Mường, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) chia sẻ với phóng viên.

Bà Bùi Thị Mười chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về công tác giảm nghèo ở địa phương.
Bà Bùi Thị Mười chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về công tác giảm nghèo ở địa phương.

Chiều đầu Thu tháng Mười, bà Bùi Thị Mười thân thiện đón chúng tôi đến thăm quê hương Thạch Thành, mảnh đất sinh sống của đại đa số người Mường ở Thanh Hóa. Nữ Bí thư Huyện ủy năm nay 51 tuổi, vẻ ngoài giản dị với gương mặt hiền và nụ cười tươi luôn thường trực. Bà là một trong những đại biểu vinh dự sẽ trình bày tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II sắp tới tại Hà Nội.

Bà Mười nói, đã chuẩn bị tinh thần để đại diện cho đồng bào mình tham dự ngày hội lớn của các dân tộc trong cả nước. Bà mong dịp này được chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời học những cách làm hay của các tỉnh bạn.

Nói về quá trình phấn đấu để trở thành một người đứng đầu cấp ủy địa phương, bà Mười nhớ lại tuổi thơ cơ cực, sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó. Sự thành đạt của bản thân bà là sự hy sinh, cố gắng của cha mẹ và những người anh em trong gia đình. Đó cũng là động lực thôi thúc nữ sinh dân tộc Mường năm xưa vượt khó để đạt thành tích tốt trong học tập.

Trải qua nhiều vị trí, đến khi được tín nhiệm trở thành nữ Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Thạch Thành, ở vị trí nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở thành người đứng đầu cấp ủy, hiểu quê hương còn nghèo, đồng bào còn nhiều khó khăn, bà càng nỗ lực trong việc tìm hướng đi mới cho địa phương.

Từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, Thạch Thành đã thực hiện những mô hình mang đậm nét đặc trưng riêng. Huyện đã xác định rõ các cây trồng chủ lực; quy hoạch đất đai; thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Xây dựng hơn 1.500 trang trại; thành lập mới 31 HTX kiểu mới; ban hành các nghị quyết, đề án để hỗ trợ phát triển kinh tế của các vùng, các lĩnh vực. Huyện đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả có múi, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất hơn 1.000ha, hiện nay tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt hơn 2.600ha, đứng đầu tỉnh Thanh Hóa.

Một số dự án với quy mô khá lớn được thu hút đầu tư vào huyện như: Nhà máy mía đường Việt Nam - Đài Loan; Nhà máy Men vi sinh; nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế trang trại đã và đang được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa bàn huyện.

Để giảm nghèo, mô hình ngân hàng bò cho người nghèo do Mặt trận Tổ quốc huyện triển khai thực hiện, với hơn 1.500 bò cái sinh sản được quản lý chặt chẽ để khi bê con sinh ra sẽ chuyển tiếp cho các hộ nghèo khác; Mô hình con giống niềm tin, CLB giảm nghèo của Hội LHPN; Mô hình HTX nuôi ong, HTX mía tím của Hội Nông dân…

Với cách làm như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2019 giảm còn 3,67%; huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định còn nhiều khó khăn, nhưng nữ Bí thư quyết tâm đưa Thạch Thành phấn đấu trở thành “điểm sáng” của tỉnh Thanh Hóa trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.