Vốn có, khó tiếp cậnTiến độ ì ạch của việc phát triển NNƯDCNC được thể hiện ở việc quy hoạch và xây dựng các khu NNƯDCNC ở các địa phương. Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 575/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng NNƯDCNC đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ xây dựng 10 khu NNƯDCNC.
Nhưng đến thời điểm này, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước mới có 2 khu NNƯDCNC (một tại Hậu Giang và một tại Phú Yên). Các tỉnh Lâm Đồng, Thái Nguyên, Thanh Hóa thuộc quy hoạch tổng thể đang hoàn thiện hồ sơ.
Theo kết quả cuộc tổng điều tra nông nghiệp nông thôn của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước hiện có 3.846 doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, cả nước hiện mới chỉ có 28 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp ứng dụng NNCNC.
Được biết, để thực hiện Chương trình phát triển NNƯDCNC, một trong những chính sách quan trọng, được xem là động lực chính là gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ mới có khoảng 4 nghìn khách hàng tiếp cận vốn vay, với tổng dư nợ ước khoảng 32 nghìn tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng khó đến với doanh nghiệp là do những bất cập trong quy định cho vay. Theo đó, để tiếp cận nguồn vốn này thì doanh nghiệp phải có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực, phải chứng minh được hoạt động trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phải nằm trong vùng quy hoạch,…
Những vướng mắc này đã được đề cập từ lâu, trên tất cả các diễn đàn kinh tế cũng như trong nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên, để sửa đổi là không hề dễ.
Trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều ngày 19/3/2018) cũng đã cho thấy rõ điều này. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, để triển khai có hiệu quả gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng thì phải đặt ra những tiêu chí hết sức ngặt nghèo để đảm bảo khuyến khích và đúng đối tượng khuyến khích khi đầu tư NNƯDCNC.
…và thêm nhiều “điểm nghẽn”Không chỉ khó về tiếp cận vốn để phát triển NNƯDCNC, hiện nay các địa phương cũng như doanh nghiệp, người nông dân còn gặp rất nhiều “điểm nghẽn” khác. Đó là hạ tầng phục vụ sản xuất vừa thiếu lại yếu, có quá ít mô hình điểm để học tập… Quan trọng hơn cả, đầu ra cho sản phẩm NNƯDCNC hiện vẫn là bài toán nan giải.
Như tỉnh Sơn La, năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu hàng nông sản của Sơn La đạt hơn 68 triệu USD, với một số mặt hàng chủ lực như cà phê, chè khô, xoài.... Đây là kết quả nổi bật đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Để có được kết quả này, một trong những giải pháp của ngành Nông nghiệp tỉnh là tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này vào sản xuất nông nghiệp ở Sơn La vẫn còn rất nhiều vướng mắc.
Tại Hội nghị tổng kết đánh giá 2 năm áp dụng triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên địa bàn (tổ chức ngày 17/2/2018), Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, đã chỉ rõ “Chưa tạo lập được mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chưa hình thành được hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp đỡ đầu nên còn khó khăn trong việc triển khai đồng bộ về khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm...”.
Không chỉ Sơn La mà hầu hết các địa phương đều lúng túng khi phát triển NNƯDCNC. Nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm NNƯDCNC. Đa số nông sản làm ra, nông dân phải bán qua thương lái và bị ép giá. Vì vậy, đầu ra nông sản vẫn là bài toán nan giải của nhiều địa phương cũng như nông dân khi tham gia NNƯDCNC.
Ngoài khó khăn trên, việc phát triển NNƯDCNC hiện nay đang gặp khó trong xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm. Do có quá ít các mô hình mẫu để nghiên cứu, học tập rút kinh nghiệm, áp dụng với thực tế nên không chỉ nông dân mà nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra khá lơ mơ trong việc xác định thế nào là sản xuất NNƯDCNC.
Phải khẳng định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cũng đã được nhận diện để các bộ ngành, địa phương có liên quan tìm cách tháo gỡ, đưa ngành Nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Tuy nhiên, một vấn đề cần được đưa ra là, dù đây là xu hướng tất yếu nhưng không nên xem phát triển NNƯDCNC là một phong trào; địa phương này thấy nông dân ở tỉnh khác giàu lên vì mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ nên “bắt chước”, bê nguyên mô hình về áp dụng. Xa hơn là việc áp dụng “nguyên mẫu” mô hình công nghệ cao ở nước ngoài về thực hiện ở địa phương mình...
Đây rõ ràng là một “điểm nghẽn” cần được cảnh báo khi phát triển NNƯDCNC. Bởi mỗi nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu, nhân lực, vật lực... khác nhau. Hơn nữa, định hướng nuôi trồng gì thì cũng phải trên cơ sở những nghiên cứu, tính toán, dự báo cụ thể nhu cầu thị trường, năng lực triển khai.
SỸ HÀO