Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nông dân Văn Bàn tăng thu nhập cao từ cây trồng vụ đông

Trọng Bảo - 11:39, 19/01/2021

Văn Bàn là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Trong đó, việc tuyên truyền vận động bà con Nhân dân thâm canh tăng vụ, đặc biệt là trồng cây vụ đông trên chân ruộng 2 vụ mà trước để không, đã tăng giá trị thu nhập trên một hec ta canh tác đạt 83 triệu đồng/ha…

Vụ đông năm nay, huyện Văn Bàn gieo trồng trên 2 nghìn héc ta cây trồng các loại với giá trị kinh tế cao
Vụ đông năm nay, huyện Văn Bàn gieo trồng trên 2 nghìn héc ta cây trồng các loại với giá trị kinh tế cao

Năm nay, chị Lương Thị Kiều Vân ở thôn Én 1, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn trồng hơn 4 sào các loại cây vụ đông trên diện tích ruộng hai vụ của gia đình. Trong đó, có gần 2 sào gia đình chị trồng ngô nếp, hiện tại ngô đã đến kỳ thu hoạch, bẻ đến đâu thương lái về tận ruộng thu mua đến đó. Ước tính với diện tích ngô này gia đình chị cũng thu về gần 20 triệu đồng.

“Trước đây, sau khi gặt lúa xong thì hầu hết diện tích đất ruộng của gia đình chỉ để không. Mấy năm trở lại đây, gia đình tôi đưa một số cây trồng vụ đông vào sản xuất, như ngô nếp, khoai lang, rau các loại. Trồng cây ngô nếp, bắp thì bán cho thương lái, cây thì vừa tận dụng làm thức ăn cho trâu bò tránh rét. Trồng cây vụ đông, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa cải tạo đất để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân”, chị Vân chia sẻ. 

Theo thống kê, vụ đông năm nay, toàn xã Võ Lao gieo trồng 535 héc ta cây các loại; trong đó có 385 héc ta cây ngô nếp, đây cũng là địa phương có diện tích trồng ngô nếp lớn nhất tỉnh Lào Cai. Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết: Xã Võ Lao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bà con ở đây, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên việc nâng cao thu nhập trên cùng diện tích cach tác, là mục tiêu của cấp ủy, chính quyền địa phương. 

 Hiện nay, hầu hết diện tích canh tác của bà con đã chuyển sang trồng 3 vụ, 2 vụ lúa và 1 vụ đông. Bình quân mỗi héc ta cây trồng vụ đông hiện nay cho thu nhập 70 triệu đồng/ha; với diện tích trồng cây vụ đông năm nay toàn xã thu gần 50 tỷ đồng. Qua việc triển khai thành công vụ đông, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân mà quan trong hơn là đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc.

“Riêng đối với cây ngô nếp, hiện tại nhu cầu thị trường rất lớn, bà con thu hoạch đến đâu thương lái về thu mua hết đến đó. Bình quân mỗi héc ta ngô cho bà con thu nhập gần 80 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống nâng cao thu nhập cho bà con. Hết năm 2020, bình quân thu nhập đầu người của Võ Lao đạt 41 triệu đồng/người/năm; cả xã có 3193 hộ thì đến nay, chỉ còn 145 hộ nghèo”, bà Tân cho biết thêm.

Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện, vụ đông năm nay toàn huyện Văn Bàn gieo trồng 2.050 héc ta; trong đó, có 59ha trồng khoai tây, 199ha khoai lang, 546ha ngô, 738ha rau màu các loại…

Gia đình chị Vân (áo cam) thu hàng chục triệu đồng từ trồng ngô nếp, khoai lang…vụ đông
Gia đình chị Vân (áo cam) thu hàng chục triệu đồng từ trồng ngô nếp, khoai lang…vụ đông

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Với đặc thù huyện vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với tập quán canh tác thì vụ đông thường ít được bà con quan tâm mặc dù giá trị sản xuất của vụ này rất cao. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác, trong những năm qua, huyện Văn Bàn đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tăng cường tuyên truyền vận động bà con tham gia sản xuất cây trồng vụ đồng.

“Chúng tôi triển khai thí điểm ở một số vùng để bà con thấy được hiệu quả, từ đó nhân rộng ra toàn địa bàn. Đến thời điểm này, hầu hết các thôn bản mà điều kiện khí hậu, thời tiết phù hợp bà con đều đã tham gia sản xuất vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện Văn Bàn đã đạt 45,2 triệu đồng/người/năm, tăng 13,6% so với năm 2019 (năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 39,8 triệu đồng); giá trị thu nhập trên một héc ta canh tác đạt 83 triệu đồng/ha…”, ông Thiện thông tin thêm.