Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân tiếp cận với việc nuôi tôm đạt chuẩn châu Âu

PV - 10:57, 23/07/2018

Trong khi người nuôi tôm vất vả “mua” sự may mắn vào thời tiết, thì anh Long Văn Nghĩa, ngụ phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, đã nghiên cứu nuôi tôm trong hồ nổi dạng tròn, vừa tiết kiệm diện tích, hiệu quả lại cao do chi phí sản xuất thấp; sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, không gây ô nhiễm môi trường.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, thắng có, thua cũng không ít, anh Nghĩa nhận ra rằng, cái khó là việc quản lý diễn biến môi trường trong ao nuôi. Sau nhiều lần thăm quan, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đầu năm 2017, anh Nghĩa đã gom hết vốn liếng và vay thêm tiền để đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc (công nghệ sinh học theo hướng mới được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản) trong hồ nổi.

nuôi tôm Anh Long Văn Nghĩa (người cầm vợt) đang kiểm tra tôm con.

Khu nuôi tôm gồm 4 hồ nuôi, với diện tích 500m2/hồ, hệ thống ao cấp, xử lý nước và các trang thiết bị máy móc cần thiết trên diện tích 2ha. Hồ nuôi được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng.

Ở vụ nuôi đầu tiên, với mật độ thả nuôi 300 con/m2, chỉ sau hơn 2 tháng, tôm trong hồ nổi đã đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Tiến hành thu tôm ở 2 hồ nuôi đầu tiên, anh Nghĩa thu về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Theo anh Nghĩa, nước thải trong mô hình sau khi xử lý được bơm lên hồ tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn thừa được lọc qua túi lưới phục vụ cho chăn nuôi; phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo được tách hết nước mặn, sau đó dùng nước ngọt pha loãng có thể bơm để sử dụng cho các mục đích bón cho cây trồng và làm biogas…. Qua 2 công đoạn này, nước thải được sử dụng lại cho nhiều mục đích khác nhau hoàn toàn không thải ra môi trường xung quanh.

Đặc biệt với mô hình này là không phụ thuộc vào thời tiết, với 2 giai đoạn trong hồ nổi trên mặt đất, được làm bằng khung sắt tròn, phủ bạt và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước. Đây được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện với môi trường ưu việt nhất hiện nay.

Ưu điểm của mô hình này là tỷ lệ sống của tôm rất cao, từ 90-100%, do sử dụng quạt đảo nước liên tục, lắp đặt hệ thống tuần hoàn nên tiết kiệm được lượng nước sử dụng, hạn chế sử dụng khoáng chất. Tại mỗi ao nuôi lắp hệ thống quan trắc tự động các yếu tố môi trường, xiphon tự động, từ đó kiểm soát chất lượng nước tốt hơn.

Theo anh Nghĩa, mô hình có khả năng áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện và khả năng đồng vốn của nông hộ, nông dân dễ tiếp cận. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nông hộ có thể thiết kế hồ nuôi từ 200-500m3, với giá cả phù hợp khả năng của đại bộ phận người nuôi tôm.

Qua 3 vụ nuôi, khu nuôi tôm gồm 4 hồ của anh Nghĩa đều cho năng suất cao và ổn định. Đồng thời, qua kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Trung bình mỗi vụ nuôi có thể cho năng suất 100-150 tấn/ha; nhờ nguồn tôm sạch bệnh nên luôn có giá cao hơn thị trường từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhận định: phát triển ngành nuôi tôm công nghệ cao trở thành một trong những trụ cột quan trọng để tỉnh thực hiện được mục tiêu đề ra. Thời gian qua, mô hình đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao; được nhiều hộ dân nuôi tôm trong và ngoài tỉnh nhận chuyển giao với nhiều quy mô nuôi lớn nhỏ, bước đầu cho kết quả tích cực. Đến nay, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ được triển khai, nhân rộng trên địa bàn Bạc Liêu và nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nghĩa bộc bạch: “Anh luôn sẵn sàng cùng với cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện việc tuyên truyền, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật sâu rộng đến với bà con nông dân. Với mong muốn sẽ cùng đồng hành với nông dân từng bước xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bền vững”.

HẠNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.