Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Hưng Yên cho biết: Giai đoạn 2015 - 2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn địa phương đạt 552 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các cấp đạt trên 78 tỷ đồng để tập trung đầu tư hỗ trợ trực tiếp vào công cuộc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để nguồn vốn giải ngân kịp thời, đúng mục đích, hiệu quả, nhiều năm qua, những cán bộ tín dụng chính sách tỉnh Hưng Yên luôn tận tụy với người nghèo, thường xuyên bám sát làng quê, đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến từng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện, cơ hội giúp đỡ người dân hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo bền vững và khát vọng làm giàu chính đáng.
Về Hưng Yên những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy nhất là, vùng đất tả ngạn sông Hồng đang đổi thay, trù phú. Nhờ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH mà nhiều hộ nông dân đã phát triển các mặt hàng nông sản được khách hàng trong, ngoài nước tin dùng như cam Quý Châu, chuối tiêu hồng Kim Động, gà Đông Tảo Khoái Châu, nhãn lồng Tiên Lữ, vải lai Phù Cừ, hoa quả cây cảnh Văn Giang...
Đến thăm những vườn cây, ăn quả rộng hàng trăm hécta ở xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, địa phương vốn được xem là màu mỡ nhất tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, quỹ đất này chỉ thực sự phát huy được từ khi hộ nghèo và các đối tượng chính sách nơi đây đã sử dụng hiệu quả hơn 16 tỷ đồng vốn chính sách để đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Theo đó, các loại quả như cam, quýt, thanh long, chuối tiêu hồng Nhuế Dương được nông dân đầu tư chăm bón, từng bước để xây dựng thành nhãn hiệu, quảng bá rộng rãi nên nhiều tư thương biết và tìm đến tận vườn, tận ruộng đặt mua.
Vụ đầu năm 2020 này, xã Nhuế Dương được mùa, được giá, thu về cả chục tỷ đồng tiền lãi. Tiêu biểu là gia đình chị Vương Thị Chính ở thôn 5, đã 2 lần được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Khoái Châu cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng bưởi da xanh, chuối tiêu hồng. Mỗi năm cung ứng 50 - 70 tấn sản phẩm bảo đảm chất lượng cho thị trường trong nước, xuất khẩu sang tận Malaysia, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương khẳng định: Thực tế nguồn vốn tín dụng chính sách như “chìa khóa vàng” mở cánh cửa cho địa phương phát triển kinh tế mạnh mẽ, giảm nghèo bền vững và về đích nông thôn mới trước thời gian quy định.
Phát huy những kết quả được trong thực hiện chính sách giảm nghèo trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho giai đoạn 2020 - 2025; trong đó phấn đấu hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6%, hạn chế tái nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Để góp phần thực hiện chính sách này, Ngân hàng CSXH tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 40, thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, trong đó có cả việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo, góp phần đắc lực cho công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, hướng tới những mùa Xuân ấm no, tươi đẹp.