Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nỗi đau ở Sa Ná

PV - 11:39, 07/08/2019

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) là nơi thiệt hại nặng nề nhất sau trận lũ dữ ngày 3/8. Hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 9 người mất tích, người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn cùng, kiệt quệ, họ đang phải gánh chịu những nỗi đau, mất mát không gì sánh nổi.

Vượt sông bằng bè mảng đến với bà con vùng lũ dữ tại bản Sa Ná, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Vượt sông bằng bè mảng đến với bà con vùng lũ dữ tại bản Sa Ná, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

Tang thương bao trùm

Buổi sáng ngày 3/8, cơn mưa như trút nước trước đó 1 ngày đã khiến nước lũ dâng cao, tràn về bản Sa Ná. Cơn lũ ập đến bất ngờ khiến người dân không ai kịp trở tay.

Chị Lương Thị Mận vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại, buổi sáng hôm đó, mọi người đang dọn dẹp khiêng vác tài sản lên vị trí cao hơn. Bất ngờ, chị nghe thấy tiếng gầm gào từ bên kia vách núi, chưa kịp định thần xem tiếng động gì thì đã thấy dòng nước lũ cuồn cuộn như sóng thần ập đến, mang theo cả đất đá và những cây gỗ lớn đổ về.

Lúc đó chị chỉ kịp bế con nhỏ rồi hô hào chồng bỏ chạy lên núi.

“Nhiều người trong bản cũng chỉ kịp tháo chạy mà không mang theo được tài sản gì. Khi nhìn xuống, cảnh tượng trước mắt chúng tôi thật kinh hoàng, từng ngôi nhà nhanh chóng bị nước lũ nhấn chìm rồi kéo sập tất cả. Chỉ trong vòng 10 phút, bản làng đã bị xóa sổ”, chị Mận bàng hoàng kể.

Hội Phụ nữ xã Na Mèo thăm hỏi và chia buồn cùng bà con vùng lũ. Hội Phụ nữ xã Na Mèo thăm hỏi và chia buồn cùng bà con vùng lũ.

Khi lũ rút, mọi người kéo nhau về bản nhặt nhạnh những thứ còn sót lại, tất cả chỉ còn là một đống đổ nát, hoang tàn, có nhà may mắn hơn thì bị hư hỏng, có nhà chỉ còn lại cái móng trơ trọi. Trong cái đống hỗn độn lẫn vào nhau ấy, là tài sản tích cóp của nhân dân, là cái xe máy, là máy xay xát, máy cày, và những bao thóc lúa dự trữ…

“Đau xót lắm, cả đời người chúng tôi chưa từng gặp trận lũ nào kinh hoàng đến thế, sắp tới đây không biết sẽ sống như thế nào”, chị Mận khóc nghẹn.

Cạnh đó, ông Lò Văn Thiêm (64 tuổi) đau đớn cho biết: “Nhà cửa có thể dựng lại, nhưng con gái tôi thì đã bị dòng nước cuốn trôi vì không kịp chạy, bây giờ còn không thấy xác”...

Vẫn còn nhiều người mất tích

Trong bản Sa Ná, mất mát lớn nhất là gia đình anh Hà Văn Vân (SN 1990). Cả gia đình có 6 người gồm vợ con, bố mẹ và chị gái đã bị lũ cuốn mất tích.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lâu nay anh Vân thường đi làm ăn xa. Mới vừa qua, nghe bạn bè giới thiệu, anh đi ra thành phố để làm phụ hồ.

Mới đi được một ngày thì hay tin bản Sa Ná gặp nạn, anh tức tốc trở về nhà thăm người thân. Nước sông dâng cao, không thể đi bằng lối mòn, anh phải băng rừng đi bộ về bản.

Các đoàn cứu trợ cõng hàng trèo đèo, lội suối vào với người dân Sa Ná. Các đoàn cứu trợ cõng hàng trèo đèo, lội suối vào với người dân Sa Ná.

Về đến nơi, anh đau đớn và tuyệt vọng: “Tôi không thể ngờ cơ sự lại thế này, mới đêm trước vợ tôi còn gọi điện hỏi thăm sức khỏe, công việc, sáng 2/8, bố tôi còn đưa tôi đi bắt xe, vậy mà…”, anh Vân nói rồi nước mắt chảy dài.

6 người thân trong gia đình anh Vân vẫn đang mất tích là: bố Hà Văn Tiểu (SN 1963); mẹ Hà Thị Thắm (SN 1964); chị gái Hà Thị Vững (SN 1988); vợ Vi Thị Sống (SN 1990); con trai Hà Văn Quỳnh (10 tuổi) và Hà Văn Chấn (7 tuổi)...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến ngày 6/8, tại tỉnh Thanh Hóa có 6 người chết (huyện Mường Lát 2 người, huyện Quan Sơn 4 người), 9 người đang mất tích.

Hiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động 1.498 chiến sĩ cùng phương tiện phối hợp với lực lượng chức năng tại các huyện Quan Sơn, Mường Lát khẩn trương tìm kiếm, cứu hộ người bị nạn; đồng thời tập trung công tác cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho Nhân dân các bản bị chia cắt, cô lập.

Trước những thiệt hại nặng nề về người và của do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Báo Dân tộc và Phát triển kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên cả nước chung tay hướng về vùng lũ, sẻ chia với nỗi đau, mất mát của người dân địa phương.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về Báo Dân tộc và Phát triển. Địa chỉ: Số 23-ngách 37/2-ngõ 37, tổ 32, phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số TK: 1302201031666

Tại Ngân hàng: NN&PTNT, Chi nhánh Trung Yên - Hà Nội

Chủ tài khoản:

Báo Dân tộc và Phát triển

Số Fax: : 024.37674765.

Số điện thoại: 024.37674982 (máy lẻ 14)

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.