Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nơi 10 năm lớp học sáng đèn đêm

Nghĩa Hiệp - 10:26, 22/10/2021

Giữa mênh mông núi rừng Đông Bắc, trên những bản làng vùng biên giới, đều đặn trong suốt gần 10 năm nay, các thầy cô giáo đa phần còn rất trẻ đã vượt khó để giữ cho những lớp học luôn sáng đèn vào ban đêm. Những lớp học này đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu giúp đồng bào dân tộc Dao và Sán Chỉ sinh sống tại những bản vùng cao biên giới của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đọc thông viết thạo tiếng phổ thông.

Lớp học có nhiều độ tuổi từ 20 - 70 tham gia, với chủ yếu là các học viên dân tộc Dao, Sán Chỉ, nhưng họ đều chung mục tiêu là biết đọc, biết viết
Các học viên tham gia lớp học có nhiều độ tuổi từ 20 - 70, chủ yếu là người dân tộc Dao, Sán Chỉ

Những lớp học đêm tại vùng cao của huyện Bình Liêu khiến không ít người lần đầu chứng kiến sẽ có một chút ngỡ ngàng. Bởi tại đây các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 20 đến 70 tuổi. Có những người đã làm bố, làm mẹ, hay lên cả chức ông, chức bà mới bắt đầu “ê, a” đánh vần từng chữ cái đầu tiên.

Thôn Phiêng Sáp, nằm cách trung tâm xã Đồng Tâm 6km, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Lớp học ở thôn Phiêng Sáp năm nay đi vào hoạt động từ tháng 7 vừa qua, do cô giáo Hoàng Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Tâm đứng lớp. Cô giáo Huyền cho biết: “Lớp ban đầu chỉ có 8 - 9 học viên, lớn nhất đã gần 70 tuổi. Ban đầu các học viên còn e ngại, có hơi chút tự ti, nhưng sau 2 tuần mọi người cũng đã quen với việc đến lớp. Khi biết đọc, viết những chữ đầu tiên, họ hào hứng lắm, người nọ rủ người kia để đến lớp, giờ đã có 17 học viên đang học ổn định rồi”.

Chị Chìu Tài Múi bế theo con lên lớp để học chữ
Chị Chìu Tài Múi bế theo con lên lớp để học chữ

Đến lớp học mỗi ngày, chị Chìu Tài Múi, 37 tuổi đã không ngần ngại địu con thơ đi học cùng mẹ. Bế con ngủ trên tay, tay còn lại chị Múi tô theo những nét chữ. Chị Múi cho biết: “Giờ trong thôn cũng nhiều người biết chữ rồi. Ngày xưa do gia đình đông anh chị em nên tôi không được đi học, không biết đọc, biết viết lạc hậu lắm. Biết chữ rồi sẽ không nghèo nữa đâu, nên khó mấy thì mình cũng đi học”.

Cũng tương tự như lớp học ở Phiêng Sáp, lớp học tại thôn Phặc Chè, cũng thu hút được rất nhiều người tham gia học chữ. Vợ chồng anh Dương A Chíu (37 tuổi) và chị Trần Thị Chạu (36 tuổi) đều là người Sán Chỉ, cùng dẫn nhau đến lớp học. Anh Chíu chia sẻ: “Nhà tôi có 3 con, các con đều đi học, biết đọc viết cả rồi. Mình không biết đọc, biết viết sẽ không biết để bảo con, nên hai vợ chồng quyết tâm đi học".

Nghề dạy chữ ở vùng cao xưa nay vốn đã nhiều khó khăn, nhưng dạy chữ ở những lớp xóa mù chữ, cho những người cao tuổi, hạn chế khả năng tiếp thu lại càng thêm khó khăn và vất vả. Việc này không chỉ đòi hỏi các thầy cô giáo phải thật sự tâm huyết với nghề, mà còn phải có cả sự kiên nhẫn, tỷ mỉ đối với từng học viên trong lớp. Bởi bên cạnh việc khó trong dạy học, đi đến lớp học nhiều lúc cũng là cả quãng đường gian nan.

Những lớp học xóa mù chữ đã 10 năm sáng đèn tại các bản làng vùng cao huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
10 năm qua, những lớp học xóa mù chữ luôn sáng đèn tại các bản làng vùng cao huyện Bình Liêu.

Cô giáo Nông Thị Lan tâm sự: “ Từ năm 2018, tôi bắt đầu tham gia gắn bó với những lớp học đêm trên những bản làng. Nhớ nhất năm 2019, tôi nhận lớp học ở thôn Kéo Chản, xã Đồng Văn, đường vào hơn chục cây số phải đi bộ. Mùa mưa, lũ việc dạy học xong ngủ lại lớp là chuyện thường. Nhưng tôi không thấy đấy là vất vả. Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nên tôi luôn cống hiến hết mình cho quê hương và người dân quê mình. Đặc biệt, để xóa mù chữ cho đồng bào, nhiều lúc chúng tôi đã “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với bà con”.

Theo báo cáo của huyện Bình Liêu, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH&THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”, đến nay hành trình xóa mù chữ ở vùng cao Bình Liêu đã tròn 10 năm. Với 96 lớp học được mở ra và hoàn thành (tính đến tháng 5/2021), đã giúp xóa mù chữ cho 1.625 học viên, trong đó có 410 học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 2 (lớp 4 và lớp 5). 

Hiện nay, Huyện đang tiếp tục mở 9 lớp học và sẽ kết thúc trong năm 2021. Theo đó, mức độ phổ cập xóa mù chữ của huyện Bình Liêu  ở mức 2 (mức độ chuẩn) tại 7/7 xã, thị trấn (đạt 100%). Tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ đạt 93,3% .

Xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho đồng bào DTTS, được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Và, những nỗ lực xóa mù chữ của các thầy cô giáo ở các huyện vùng cao của Quảng Ninh, đang góp phần giúp đồng bào DTTS nâng cao dân trí để cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, miền núi còn nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.