Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗ lực ngoại giao đã mang về cho đất nước 50 triệu liều vaccine

PV - 20:00, 08/10/2021

Trong thời gian ngắn, ngoại giao vaccine đã mang về cho đất nước khoảng 50 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều ngày 8/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Vũng Tàu và các huyện Côn Đảo, Đất Đỏ và Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức trực tuyến. 

Tại buổi tiếp xúc, các ý kiến phát biểu của cử tri đều đánh giá cao nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhờ đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Do tác động nghiêm trọng của đại dịch, cử tri bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội tiếp tục nỗ lực ngoại giao vaccine kết hợp với việc đầu tư để Việt Nam sớm tự chủ được vaccine, nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine cho toàn dân, từ đó tạo điều kiện cho đất nước khôi phục kinh tế, mở cửa trở lại; huy động mọi nguồn lực, trong đó có lực lượng y tế tư nhân vào việc phòng chống dịch COVID-19.

Cử tri kiến nghị tập trung tổ chức tốt các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã ban hành thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong đó có đối tượng là người có công, gia đình chính sách vượt qua khó khăn do đại dịch; có chính sách ổn định giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu vốn đã tăng từ 30 - 50% do tác động của dịch bệnh COVID-19; sớm sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bảo đảm quyền của người sử dụng đất và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển…

Phát biểu với cử tri, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; khẳng định sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp thu và chuyển đến Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đến nay, đã có trên 233 triệu ca nhiễm, trên 4,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh đã tấn công vào các khu vực công nghiệp, có mật độ dân cư cao, khiến nhiều nơi phải áp dụng các biện pháp mạnh, chưa từng có tiền lệ trong thời gian dài và trên phạm vi rộng.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị… để chỉ đạo đối phó với dịch bệnh. Nhờ các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, linh hoạt thích ứng với tình hình và theo công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân”, cùng với sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, có thể nói đến nay, tình hình cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Song song với các biện pháp chống dịch trong nước, chiến dịch “ngoại giao vaccine” cũng được triển khai quyết liệt và hiệu quả, trong đó vận động vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ phục vụ phòng chống dịch được xác định là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều cuộc điện đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức các quốc tế, các doanh nghiệp lớn về dược phẩm/ y tế. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine.

Nhờ đó, tính đến hết tháng 9, nước ta đã tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Nhiều đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ, giao hàng đúng hoặc trước thời hạn, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc với Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng kết quả trên là rất quan trọng trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine và nhiều sinh phẩm y tế.

Về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, đợt dịch thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, khiến giá thành một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhiều công trình, dự án triển khai chậm hoặc phải tạm dừng.

Trong điều kiện đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt một số kết quả tích cực như tốc độ tăng trưởng dương (đạt 1,42%); thu ngân sách tăng 9,2% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tăng 4,45%; xuất khẩu hàng hóa tăng 24.4%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,4%; lạm phát được kiểm soát…

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 1,42% là mức thấp nhất kể từ năm 2000, trong khi dự báo tăng trưởng cả năm chỉ đạt khoảng 3%. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,6%, trong khi số doanh nghiệp tạm dừng tăng 16,7%.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, nguyên nhân trực tiếp và cơ bản của những khó khăn trên là do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 bên cạnh những nguyên nhân chủ quan về cơ chế, chính sách.

Chính phủ đã phân tích kỹ nguyên nhân của các bất cập, hạn chế nêu trên và đang chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tại kỳ họp sắp tới, bên cạnh việc thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng như quy hoạch sử dụng đất quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; công tác phòng chống tham nhũng, Quốc hội cũng sẽ thảo luận những biện pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế ngay trong những tháng cuối năm.

Dự báo, trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa thể kết thúc trong tương lai gần. Nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới vẫn còn. Tình trạng thiếu hụt vaccine, thuốc điều trị vẫn nghiêm trọng, nhất là ở các nước đang phát triển và kém phát triển.

Nhiều nước đang từng bước chuyển chiến lược “không COVID-19” sang thích ứng, tìm cách sống chung với COVID-19 để phục hồi kinh tế, từng bước mở cửa trở lại.

Ở trong nước, tại đợt dịch thứ 4, dù đang được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao, tác động nghiêm trọng hơn đến việc phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ sẽ hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trong tháng 10. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, địa phương phải chủ động khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào phòng chống dịch; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, trong phòng chống dịch bệnh.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường nguồn nhân lực, xây dựng các chính sách thỏa đáng đối với cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch.

Khẩn trương triển khai lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo hướng nếu xuất hiện ổ dịch, nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm với tốc nhanh hơn tốc độ lây lan; cách ly phạm vi hẹp nhất có thể, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn đối với các địa phương có dịch.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; triển khai hộ chiến vaccine phù hợp với xu hướng chung của thế giới; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.