Tỷ lệ thấp
Năm nay đã 16 tuổi, nhưng em H’ Lăm, dân tộc Mnông, xã Yang Tao, huyện Lắk, (tỉnh Đắk Lắk) mới chỉ đang học lớp 7. H’Lăm cho biết, bố mẹ em đông con, em là con gái lớn nên phải thường xuyên ở nhà trông các em.
Ngoài ra, khi đến thời kỳ thu hoạch lúa hay cà phê, H’Lăm nghỉ học 5 – 7 ngày liền để ở nhà phụ bố mẹ. H’lăm chia sẻ, em vẫn muốn đi học, nhưng vì gia đình khó khăn nên chắc đi học thêm một thời gian nữa là em phải dừng đến trường.
Không riêng H’Lăm, nhiều học sinh ở vùng DTTS hiện nay cũng không được đến trường đúng tuổi. Như em Khang A Bả, dân tộc Mông, ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), bản của A Bả chỉ có điểm trường tiểu học. Muốn học cao hơn, trẻ em phải đi bộ nửa ngày đường đồi núi ra trung tâm để học cấp 2.
Do đó, A Bả chỉ học hết lớp 5 là nghỉ học. Năm nay em đã 17 tuổi, nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo. Cuộc sống quẩn quanh lên nương, lên rẫy hết sức khó khăn.
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THCS và THPT của trẻ em DTTS lần lượt là 81,6% và 47,0%. Trong đó, vẫn còn nhiều DTTS có tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp THPT thấp (dưới 30%) như: dân tộc Mông, Ba Na, Gia Rai, Mnông, Raglay, Xtiêng.
Còn xét theo vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở 2 cấp học THCS và THPT cũng có sự chênh lệch lớn. Theo đó, tỷ lệ đi học đúng tuổi cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ là 91,4% ở bậc THCS và 62,1% ở bậc THPT; còn tỷ lệ thấp nhất là ở khu vực Tây Nguyên với các con số tương ứng là 69,1 % ở bậc THCS và 29,2% ở bậc THPT.
Ở góc độ giới tính, tỷ lệ đi học đúng tuổi của học sinh nữ DTTS cao hơn học sinh nam DTTS; bậc học càng cao, chênh lệch về giới càng rõ nét, đặc biệt ở các dân tộc như Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, Cơ Ho, Chăm, Raglay, Xtiêng, Cơ Tu, Gié Triêng, Mạ, Co, Tà Ôi, Chơ Ro. Trong khi, hầu hết các DTTS có tỷ lệ học sinh nữ đi học đúng tuổi cao hơn học sinh nam; riêng dân tộc Mông, Cống có tỷ lệ học sinh nam đi học đúng tuổi cao hơn học sinh nữ.
Nỗ lực thay đổi
Lý giải về tình trạng tỷ lệ học sinh THCS và THPT đi học đúng tuổi thấp, bà Vũ Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: một trong những nguyên nhân, là do nhiều em phải tham gia lao động sớm hoặc do hậu quả của nạn tảo hôn gây ra.
Ngoài ra, hiện nay, hệ thống mạng lưới trường lớp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Càng lên vùng núi cao, hệ thống trường lớp càng phân tán nhỏ lẻ, tỷ lệ kiên cố hóa càng thấp, điểm trường, lớp ghép vẫn tồn tại nhiều ở vùng DTTS và miền núi.
Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, phòng học xuống cấp. Một số địa phương vẫn còn phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu, công trình vệ sinh thiếu và không đảm bảo, thiếu công trình nước sạch. Hệ thống trường PTDTBT còn nhiều thiếu thốn. Phần lớn, các trường PTDTBT thiếu chỗ ở, bếp nấu ăn, thiếu nước sạch, thiếu công trình vệ sinh.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019 QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra mục tiêu, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi tiểu học trên 97%, học sinh THCS trên 95%, học sinh THPT trên 60%.
Để hoàn thành các mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của địa phương và có lộ trình hợp lý.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định. Bộ cũng sẽ tập trung chỉ đạo duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đi học; chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội huy động tối đa trẻ em, học sinh người DTTS trong độ tuổi đến trường; duy trì sĩ số học sinh, bảo đảm tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ.