Hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với trên 173.765 người, chiếm 23,71% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai. Toàn tỉnh hiện có 28 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đã bố trí trong 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh là trên 612 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 310 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 302 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, tổng vốn đã bố trí cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 167,29 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án thành phần; tổng vốn đã bố trí cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là 404,47 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án thành phần.
Đến cuối năm 2022, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 32,4 triệu đồng, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% mục tiêu đến năm 2025. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 17,73%, giảm 4,73% so với năm 2021, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là giảm 3%/năm.
Để giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng mía, trồng cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, phát triển đàn gia súc, nuôi heo đen đặc sản, mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm tại huyện Ninh Phước; mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất…
Ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm, đồng thời cũng là nơi cư trú tập trung của 90% người Chăm của xã. Trước đây, bà con chỉ biết trồng lạc, cà rốt… Năm nào sản phẩm được giá thì đời sống no ấm, năm nào sản phẩm không được giá thì đời sống bà con lại bấp bênh.
Với mong muốn giúp người dân chuyển đổi cây trồng để có thu nhập ổn định, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, từ cuối năm 2009 tới nay Hội Nông dân hỗ trợ hạt giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây măng tây xanh giúp người dân chuyển đổi các loài cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây có thu nhập cao, vươn lên làm giàu bền vững.
Ông Kiều Minh Tiến, thôn Tuấn Tú là người tiên phong hưởng ứng phong trào trồng cây măng tây chia sẻ: Thôn Tuấn Tú thuần đồng bào dân tộc Chăm, khí hậu nơi đây khắc nghiệt chỉ có gió và nắng, diện tích đất sản xuất thì khan hiếm, đời sống khó khăn. Từ khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thử nghiệm đưa cây măng tây xanh vào đồng đất của thôn. Gia đình ông đã tham gia và cây măng tây trên khoảnh vườn nhà đến nay gia đình tôi đã từng bước ổn đinh, có điều kiện nuôi được 4 người con ăn học đàng hoàng.
Ông Lỗ Trung Tài, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, cho biết: Mỗi ngày hợp tác xã thu mua cho các thành viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, người Chăm thôn Tuấn Tú có doanh thu gần 4 tỷ đồng. Các hộ trong thôn đã xây được nhà to đẹp nhờ cây măng tây xanh.
Nhờ hiệu quả của cây măng tây xanh, đồng bào Chăm thôn Tuấn Tú có thu nhập bình quân trên 52 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn có 539 hộ với 2.445 nhân khẩu, hiện nay chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 1,1%, do già yếu neo đơn, thiếu sức lao động. Bà con đóng góp trên 1,3 tỷ đồng chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng An Hải đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022.
Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc
Bên cạnh trợ lực từ nguồn vốn chính sách thông qua các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến nay, 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS ở Ninh Thuận được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện thắp sáng, tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 95%.
Hiện nay về cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có đường giao thông đi lại thuận tiện, cơ sở trường học, trạm xá được đầu tư nâng cấp xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám, chữa bệnh của người dân, đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên đáng kể.
Có được những kết quả đó là do tỉnh Ninh Thuận đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Tại những xã có đồng bào dân tộc số sinh sống, các cấp, ngành đều triển khai các chính sách dân tộc công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng lên. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững cho người dân.
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến cuối năm 2022 tỉnh Ninh Thuận còn 11.015 hộ nghèo (chiếm 5,93%) số hộ toàn tỉnh, giảm 1,89% so với năm 2021; hộ cận nghèo còn 10.087 hộ (chiếm 5,43%) số hộ toàn tỉnh, giảm 1,66% so với năm 2021.
Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương hy vọng trong thời gian tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Thuận sẽ tiếp tục có nhiều đổi thay tích cực.