Theo đó, Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 13 - 18/6. Lễ khai mạc với Chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt”, sẽ diễn ra vào tối ngày 16/6, tại Quảng trường 16 tháng 4, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Nho là cây trồng chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận, với tổng diện tích 1.200 ha nho các loại, sản lượng mỗi năm khoảng 30.000 tấn. Vì thế, Ninh Thuận hiện được xem là “thủ phủ” nho của cả nước.
Trong khuôn khổ lễ hội còn có 2 cuộc hội thảo: “Phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho”, hướng đến tập trung phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nho; đề xuất giải pháp từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng nho và chế biến rượu nho, rượu vang tại Ninh Thuận; chia sẻ kinh nghiệm về thương hiệu, chất lượng của nho, rượu vang... góp phần thúc phát triển nhanh và bền vững cây nho các sản phẩm từ nho ở Ninh Thuận; hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm”, nâng cao hoạt động sản xuất và khai thác hiệu quả nghệ thuật làm gốm trong phát triển du lịch, tạo thu nhập bền vững cho người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức lễ hội ẩm thực với chủ đề “Hương vị ẩm thực Ninh Thuận”; “Hội chợ Công Thương Khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023”; Giải đua xe đạp Ninh Thuận - Bình Thuận; Giải đua ô tô - mô tô địa hình trên cát Ninh Thuận - Bình Thuận; Hội thi “Nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Ninh Thuận” lần thứ II - 2023; Hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc và hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa…
Cùng thời gian này, tại các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, trong đó có “Lễ hội trái cây” ở huyện Ninh Sơn, “Quảng bá, tham quan trải nghiệm vườn nho Thái An” ở huyện Ninh Hải, “Quảng bá, giới thiệu làng nghề và sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp ở huyện Ninh Phước…
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Lễ hội hướng đến mục địch xây dựng thương hiệu Nho và Vang Ninh Thuận, tôn vinh giá trị kinh tế cây nho mang lại cho địa phương, làm rõ sự khác biệt mang tính đặc trưng của nho Ninh Thuận.
Đặc biệt trong dịp này, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức công bố Bằng công nhận của UNECO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Nghề làm gốm của người Chăm được làm bằng tay, không có bàn xoay, có sử dụng bàn đạp bằng tay, hòn kê, kỹ thuật chải, miết láng và nung ngoài trời.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nghề gốm của người Chăm vẫn giữ được hồn tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ. Việc được UNECO ghi danh sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chính quyền, đoàn thể cùng các ban, ngành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.