Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Niềm vui từ những ấp nghèo

Đức Bình - 06:25, 15/12/2023

Kể từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai, đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, tiếp cận nguồn lực để vươn lên phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo bền vững.

Nghề trồng rau, màu giúp cho nhiều hộ gia đình người Khmer tại Bạc Liêu tăng thu nhập. Ảnh Khánh Uyên
Nghề trồng rau, màu giúp cho nhiều hộ gia đình người Khmer tại Bạc Liêu tăng thu nhập. Ảnh Khánh Uyên

Huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu có tới 2.710 hộ nghèo (9,75%) và 1.794 hộ cận nghèo (6,45%). Đây là một thách thức với địa phương bởi người Khmer chiếm hơn 12% tổng dân số và phần lớn là sản xuất nông nghiệp, kèm theo nhiều rủi do thiên tai. Là huyện nằm xa tỉnh lỵ Bạc Liêu, công nghiệp thương mại, dịch vụ phát triển không nhiều nên đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

6 nhân khẩu trong gia đình ông Danh Thuận, xã Ninh Lộc đã phải sống tạm dưới căn nhà lá xập xệ chỉ đủ che mưa che nắng từ nhiều năm nay. Kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào việc làm nông và tiền làm mướn. Ước mơ có một ngôi nhà khang trang dường như rất xa vời với gia đình ông. Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình ông được hỗ trợ vay vốn với lãi suất chỉ 3% để xây dựng một căn nhà cấp bốn kiên cố thay cho căn nhà lá cũ trước kia. “Có nhà mới khang trang, rộng rãi, gia đình chúng tôi thêm yên tâm và có động lực để sản xuất hướng tới cuộc sống ngày một ấm no”, ông Thuận chia sẻ.

Gia đình anh Danh Nuôl ở đầu Sấu Tây, xã Lộc Ninh, thuộc địa phương có nhiều người dân Khmer sinh sống nhất tỉnh Bạc Liêu. Cũng như nhiều hộ dân trong xã, hoàn cảnh gia đình anh gặp nhiều khó khăn, chỉ biết trông chờ vào mấy mảnh ruộng và làm mướn. Nay được chính quyền địa phương giúp đỡ cho vay vốn, tham gia các lớp tập huấn để có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi, gia đình anh Nuôl đã có cuộc sống dần ổn định hơn.

Để việc vay vốn được hiệu quả, chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con Khmer lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả. Bà con được hỗ trợ mua cây giống, hướng dẫn tận tình cách chăm sóc, nuôi trồng sao cho đạt hiệu quả. Khi gặp vấn đề dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, bà con được cán bộ địa phương hỗ trợ tận tình.

Huyện Hồng Dân cũng đã chú trọng việc đào tạo nghề giúp nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực. Huyện đưa ra mục tiêu mỗi năm sẽ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho từ 2.600 lao động nông thôn trở lên. Tính đến tháng 6/2023, huyện đã đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động, giải quyết việc làm cho hơn 5.200 lao động, đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,72%.

Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, người dân huyện Hồng Dân không chỉ được hỗ trợ nhà ở mà còn thay đổi suy nghĩ, chủ động sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ dân trong huyện đã có nhà ở khang trang, kiên cố, con cái được học hành đầy đủ.

Tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong vùng đồng bào DTTS, đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo
Tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong vùng đồng bào DTTS, đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo

Tương tự, tại huyện Vĩnh Lợi, kể từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719, không chỉ diện mạo của các thôn xóm mà cả đời sống của đồng bào tại hầu hết các xã nằm trong diện thụ hưởng chính sách đều đã đổi thay theo hướng tích cực.

Trong đó, xã Hưng Hội là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 65,7%). Những năm qua, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Hưng Hội rất quan tâm chăm lo đời sống bà con, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, thông qua hỗ trợ nhà ở, vốn vay, cây, con giống sản xuất... Đặc biệt, qua chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã giúp xây dựng nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, thẻ bảo hiểm y tế... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, các ấp Cù Lao, Cái Giá, Sóc Đồn, Nước Mặn… đã thực sự thay da đổi thịt.

Từng là hộ nghèo ở ấp Nước Mặn, trước đây, đời sống kinh tế gia đình anh Lâm Như rất khó khăn. Từ khi được chính quyền tạo điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, anh đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lợi. Không chỉ được tạo điều kiện vay vốn, anh còn được hướng dẫn cách làm ăn bài bản phát triển mô hình trồng màu, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng màu… Đến nay, gia đình anh đã có thu nhập 200.000 - 250.000 đồng/ngày từ mô hình trồng màu chuyên canh trên diện tích 2.000m2 đất rẫy…

Anh Lâm Như (bìa trái) ở ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, chăm sóc vườn trồng màu chuyên canh giúp anh có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Ảnh: Hữu Lợi
Anh Lâm Như (bìa trái) ở ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, chăm sóc vườn trồng màu chuyên canh giúp anh có thu nhập từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Ảnh: Hữu Lợi

Có thể thấy, từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của các các cấp, các ngành, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 đã giúp diện mạo vùng có đông đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Trong hai năm 2022 và 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh gần 47 tỷ đồng, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, tập trung cho các xã, ấp, khóm khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất như tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… Tỉnh cũng triển khai tích cực các giải pháp hỗ trợ sinh kế và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bạc Liêu luôn bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Hiện tại, tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ giải ngân vốn năm 2022 và 2023 đạt 90% tổng nguồn vốn được giao cũng như sớm giải quyết những tồn tại hạn chế phát sinh để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.