Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của Người có uy tín

PV - 10:15, 01/08/2018

Nhiều năm qua, trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, đội ngũ những Người có uy tín luôn phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu trong mọi phong trào của quê hương. Những nỗ lực, đóng góp của họ đã góp phần tích cực xây dựng cuộc sống mới ấm no, giữ gìn bình yên trên từng bản làng vùng đồng bào DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển xin gửi tới bạn đọc những ý kiến tâm huyết của một số Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Yên Bái.

Ông Hoàng Văn Tượng, dân tộc Tày, thôn Bó Mạ, xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên: Giữ gìn bình yên cho bản làng có vai trò vô cùng quan trọng

Từng là một người lính Biên phòng, tôi hiểu được việc giữ gìn an ninh trật tự có vai trò, vị trí quan trọng như thế nào đối với sự phát triển vùng đồng bào DTTS. Để giữ gìn bình yên cho bản làng, tôi tích cực tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong thôn, vận động nhân dân sống đoàn kết, gắn bó, chấp hành tốt mọi nội quy, quy định của địa phương; tuân thủ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Người có uy tín

Khi có vấn đề gì liên quan đến an ninh, trật tự như tranh chấp đất đai, đánh nhau, trộm cắp… tôi đều báo cáo chính quyền các cấp để cùng kịp thời giải quyết. Thời gian tới, tôi mong muốn các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, thường xuyên cập nhật những thông tin, chính sách mới để đội ngũ Người có uy tín được nắm bắt kịp thời chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Ông Lê Minh Tâm, dân tộc Thái, tổ dân phố bản Noọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ: Giữ gìn được văn hóa là giữ được bản sắc dân tộc

Dân tộc Thái có một nền văn hóa đa dạng và phong phú. Điển hình nhất là điệu xòe, nhạc cụ và các lễ hội truyền thống. Tại thị xã Nghĩa Lộ, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang được các thế hệ quan tâm truyền dạy cho con cháu. Các thôn bản đều có đội văn nghệ dân gian để biểu diễn văn hóa dân tộc.

Người có uy tín

Một điều đáng mừng là người cao tuổi có đội văn nghệ riêng, người trẻ cũng có đội văn nghệ riêng. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, nếu không tiếp tục bảo tồn thì văn hóa dân tộc sẽ có nguy cơ mai một dần. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến những chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung. Bởi khi giữ gìn được văn hóa sẽ giữ được bản sắc dân tộc.

Ông Mùa A Sùng, dân tộc Mông, thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu: Cần đẩy lùi hủ tục ra khỏi cộng đồng

Trước đây, ở địa phương tôi, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Tục người chết để lâu, ăn uống dài ngày rất tốn kém thời gian, kinh phí hay tục thách cưới cao. Được nhân dân bầu chọn là Người có uy tín, tôi đã đến từng nhà vận động nhân dân đẩy lùi những hủ tục ra khỏi cộng đồng. Nhờ kiên trì khuyên bảo nhiều lần nên bà con đã nghe theo. Đến nay, việc cưới, việc tang đã được bà con tổ chức theo nếp sống mới, văn minh hơn, tiến bộ hơn.

Người có uy tín

Tôi cũng đã vận động nhân dân không nuôi gia súc gần nơi ở, vận động nhân dân làm bể nước, nhà vệ sinh. Hiện nay, bà con trong thôn ăn ở hợp vệ sinh hơn xưa rất nhiều. Được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách dân tộc, bà con phấn khởi lắm. Nhưng trận lũ lụt vừa rồi cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Tôi mong muốn ngành chức năng quan tâm hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, tu sửa đường sá, kênh mương và những công trình bị hư hại.

Ông Hoàng Sinh Cành, dân tộc Tày, thôn 1, xã Tích Cốc, huyện Yên Bình: Nếu không tự mình vươn lên thì sẽ tụt hậu

Nếu không có chính sách dân tộc thì vùng đồng bào DTTS khó có được cuộc sống như hôm nay. Tuy nhiên nếu tự bản thân mỗi người không khắc phục khó khăn, tự mình vươn lên thì sẽ tụt hậu. Tôi đã rất nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng với việc trồng bưởi, cam vinh, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

baodantoc_uytin

Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu được 120-150 triệu đồng. Từ mô hình này, tôi hướng dẫn các hộ khác trong thôn cùng làm theo. Đến nay, đã có 20 hộ phát triển kinh tế theo mô hình này, thu nhập từ 80 đến 200 triệu đồng/năm.

Ông Triệu Tài Thịnh, dân tộc Dao, thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên: Cần quan tâm hỗ trợ đồng bào khởi nghiệp

Vừa được bầu chọn là Người có uy tín năm 2018, tôi ý thức được trách nhiệm, vai trò của mình đối với sự phát triển quê hương. Thôn Đá Khánh hiện có 64 hộ. Đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Nhiều con em đồng bào DTTS không có công ăn việc làm ở quê nhà nên phải đi làm ăn xa.

baodantoc_trieu_tai_thinh

Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đồng bào DTTS, đặc biệt là các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp. Tôi sẽ cùng với chính quyền thôn, xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.