Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những thương hiệu gạo nổi tiếng của đồng bào DTTS ở Gia Lai

Ngọc Thu - 10:00, 21/03/2023

Nhờ thiên nhiên ưu đãi cùng với đức tính cần cù, siêng năng học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nhiều hộ gia đình DTTS ở Gia Lai đã xây dựng được thương hiệu gạo đặc sản, nâng cao giá trị nông sản từ những giống lúa quê hương.

Lúa Ba Chăm chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang của nông dân Ba Na, huyện Mang Yang
Lúa Ba Chăm chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang của nông dân Ba Na, huyện Mang Yang

“Hạt ngọc trời” 

Tuy sản lượng lúa không thể so sánh như ở những vùng đồng bằng, nhưng với đồng bào Ba Na tại xã Đak Trôi, huyện Mang Yang vẫn luôn tự hào bởi điều kiện, khí hậu của vùng đất Gia Lai khá ưu ái để cây lúa sinh trưởng, phát triển và có những giống lúa làm nên thương hiệu và được mệnh danh là “Hạt ngọc trời”. Xã Đak Trôi có diện tích lúa Ba Chăm lớn nhất huyện Mang Yang. Toàn xã có khoảng 360 ha lúa, phần lớn là giống lúa Ba Chăm được người dân trồng chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang.

Giống lúa địa phương này có thân to, cao, sức đề kháng tốt, được đồng bào Ba Na chọn lọc từ ngàn đời, canh tác theo phương thức truyền thống (chọc, trỉa), dựa hoàn toàn vào tự nhiên. Vì vậy, gạo Ba Chăm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo cơm và mùi thơm nhẹ. Trước đây, lúa Ba Chăm chỉ cho năng suất tầm 2,6 tấn/ha vì trồng trên đất dốc, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Hiện nay, nhờ một số diện tích có thể tận dụng làm cánh đồng ruộng bậc thang giữ nước nên năng suất tăng lên 3,2 tấn/ha.

Cây lúa Ba Chăm của nông dân Ba Na huyện Mang Yang cho năng suất, chất lượng cao
Cây lúa Ba Chăm của nông dân Ba Na, huyện Mang Yang cho năng suất, chất lượng cao

Ông Myếck (làng Tơ Bla, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang) kể: Giống lúa này mình trồng lâu lắm rồi, từ thời ông bà mình để hạt giống lại cho mình trồng theo. Ở đây mọi người quen ăn loại gạo này rồi, nên chỉ trồng giống lúa Ba Chăm chứ không trồng giống khác. Gạo ngon nên cũng nhiều người tìm mua. Trồng lúa không những nuôi sống gia đình mà còn giúp mình có thêm tiền lo trang trải cuộc sống.

Đối với đồng bào Gia Rai ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai thì giống lúa J02, chính là “hạt ngọc trời” đã giúp họ đổi đời. Là giống lúa thuộc dòng Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản, lúa J02 sinh trưởng và phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng và cho năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha/vụ. Từ đó, nông dân Gia Rai xây dựng sản phẩm gạo A Sanh thơm ngon tự nhiên, vị đậm ngọt, ăn ngon hơn, hạt cơm mềm dẻo và không bị cứng khi để nguội so với gạo địa phương. Qua đó, tạo việc làm cho người dân, từng bước nâng giá trị kinh tế của hạt gạo, dần đưa hạt gạo đặc sản A Sanh tiếp cận phân khúc hàng hóa chất lượng cao ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Nông dân Gia Rai huyện Ia Grai liên kết sản xuất gạo A Sanh chất lượng cao
Nông dân Gia Rai huyện Ia Grai liên kết sản xuất gạo A Sanh chất lượng cao

Cũng làm nên thương hiệu trên thị trường với những giống lúa đặc trưng như LH12, TPR225, JO2, gạo Phú Thiện đã và đang phát triển mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân Gia Rai nơi đây. Với lợi thế của địa phương là hệ thống sông suối, kênh mương thủy lợi phong phú, đa dạng chủ động được nguồn nước nên khá thuận lợi cho bà con sản xuất lúa nước 2 vụ. 

Nông dân Gia Rai thu hoạch lúa ở cánh đồng Phú Thiện
Nông dân Gia Rai thu hoạch lúa ở cánh đồng Phú Thiện

Gia đình ông Ksor Wan (làng Glung A, xã Ia Ake) có 1 ha đất trồng lúa. Trước đây, ông gieo trồng giống lúa OM6976. Tuy nhiên, theo ông Wan, loại lúa này cây yếu, hạt thưa, năng suất chỉ đạt 7 tạ/sào. Từ ngày thay đổi giống lúa cũng như phương thức canh tác, tham gia cánh đồng lớn, cây lúa đã mang lại năng suất đáng mừng cho gia đình.

“Tôi thấy giống lúa LH12 mà HTX cung ứng tốt hơn so với giống trước đây mình từng gieo trồng. Ưu điểm của giống lúa LH12 là bông dài, cứng cây, hạt đóng dày. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 7,5 tấn/ha. Nếu giống này trồng ở vụ Đông Xuân, thì năng suất có thể đạt 8,5 tấn/ha. Từ những vụ thu hoạch lúa năng suất thế này, tôi đã mua thêm nhiều đồ dùng sinh hoạt gia đình, cuộc sống cũng tốt hơn nhiều”, ông Wan vui mừng nói.

Nâng tầm giá trị

Xác định nông dân là người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm có lợi thế so sánh, cạnh tranh, chính quyền địa phương đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: Huyện đã hỗ trợ cho sản phẩm gạo Ba Chăm định hình thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. 

Đồng thời, khôi phục giống lúa Ba Chăm nguyên chủng, thiết lập quy trình sản xuất tối ưu;  xây dựng thương hiệu, phát triển gạo Ba Chăm trở thành gạo đặc sản được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, góp phần giúp đồng bào Ba Na vùng Đak Trôi, cũng như các địa bàn lân cận thay đổi điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập. Mặt khác, quảng bá sản phẩm gắn với bảo tồn, phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương…

Sản phẩm gạo Ba Chăm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Mang Yang"
Sản phẩm gạo Ba Chăm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Mang Yang"

Cùng với đó, chính quyền địa phương đã tập trung hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, để xây dựng cánh đồng lớn; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng các loại giống và thực hiện chế biến, bao tiêu sản phẩm để giải quyết đầu ra cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện thông tin: Năm 2019, HTX đã đưa vào chương trình khảo nghiệm “3 giảm, 3 tăng”, VietGAP để sản xuất gạo Phú Thiện. Từ diện tích lúa 40 ha, đến nay nông dân đã trồng tăng 100 ha. Đồng thời, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc. Sau khi chạy phần app mã số mã vạch quốc gia, thương hiệu gạo Phú Thiện sẽ vươn xa hơn. "HTX xác định vai trò là cầu nối giữa chính quyền và bà con đồng bào DTTS, cùng bà con từng bước thay đổi nếp  nghĩ, cách làm và áp dụng thực tiễn tạo ra sản phẩm lúa có giá trị hàng hóa chất lượng cao, được thị trường đón nhận.”

Đối với gạo A Sanh của đồng bào Gia Rai, ông Ksor Tư, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr, huyện Ia Grai chia sẻ: “Tổ liên kết bảo đảm thu mua gạo A Sanh giá cao hơn thị trường, đồng thời, cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ liên kết hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng lúa cho người dân. Đặc biệt, người DTTS đã biết cùng nhau phát triển giống lúa năng suất. Cùng với đó, nông dân người Gia Rai không chỉ trồng lúa ăn mà còn liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, tăng thu nhập hộ gia đình.”

Gạo A Sanh được trưng bày và bán tại các Hội chợ Nông sản an toàn
Gạo A Sanh được trưng bày và bán tại các Hội chợ Nông sản an toàn

Đặc biệt hiện nay, tỉnh Gia Lai đã bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm gạo đặc sản như gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang; gạo Ia Lâu của huyện Chư Prông; gạo Phú Thiện của huyện Phú Thiện. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai khẳng định: Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lúa gạo chủ lực địa phương đã góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường.

Hy vọng rằng, từ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, sẽ là động lực thúc đẩy thương hiệu các sản phẩm lúa gạo Gia Lai ngày càng lan tỏa, phát triển. Qua đó, giúp đồng bào DTTS có nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.