Nhưng từ những cơ duyên tình cờ, họ quyết định bỏ tấm bằng đại học, những công việc ổn định để quay về với quê hương làm nghề nông. Và họ đang là một trong những nhân tố của phong trào khởi nghiệp đang nở rộ hiện nay.
Người nuôi gà đen nổi tiếng Mù Cang ChảiNói tới nuôi gà đen ở Mù Cang Chải, ai cũng biết tới chàng thanh niên Vàng A Công ở bản Mí Hang Tâu, xã Púng Luông. Năm 2016, Công tốt nghiệp ngành Thú y, khoa Kỹ thuật Nông lâm của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên. Chưa xin được việc, Công quyết định về quê khởi nghiệp. Nhận thấy tiềm năng của việc nuôi gà đen. Một giống gà đặc sản rất được thị trường ưa chuộng. Công đã mạnh dạn cùng vợ vay vốn Ngân hàng CSXH để mua 1.000 con gà đen lai từ Viện giống vật nuôi Trung ương.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, ngay lứa gà đen đầu tiên, Công đã thu được trên 1 tấn gà. Với giá bán dao động từ 130-150 nghìn đồng/kg, đã mang về thu nhập gần 150 triệu đồng. Nhẩm tính trừ chi phí ban đầu, gia đình Công thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Thành công bước đầu đã giúp vợ chồng Công có thêm động lực tiếp tục mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi.
Công cho biết thêm: “Chăn nuôi gà không mất nhiều sức lực như đi làm nương, nhưng phải chăm chỉ và tích lũy kinh nghiệm cộng với việc tìm hiểu thông tin trên đài, báo là rất cần thiết, vì hiện nay có rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm, nên nguy cơ gia cầm mắc bệnh là rất lớn”.
Nữ Giám đốc HTX Sơn Nữ“Đến giờ bố em vẫn chưa chịu nói chuyện thường xuyên với em. Vì con gái đang yên đang lành bỏ công việc đàng hoàng, về làm cái việc điên rồ là trồng cam sạch và xây dựng thương hiệu cho vùng trồng cam”-cô gái dân tộc Tày Nguyễn Thị Cẩm Ly, Giám đốc HTX Sơn Nữ, thôn Xa Hạc, xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nhỏ nhẹ cho hay.
Tốt nghiệp Học viện Tài chính, được nhận vào làm việc trong một ngân hàng nhưng Cẩm Ly lại quyết định rẽ ngang về quê để buôn cam.
Ban đầu Ly thuyết phục được bác Hoàng Thọ Phúc, thôn Xa Hạc, xã Nhân Mục trồng cam theo hướng hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra những sản phẩm cam đạt năng suất cao, sạch và an toàn. Ly cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho vườn cam của bác. “Thú thực lúc đấy em chưa biết sẽ tiêu thụ cam như thế nào đâu, nhưng em tin mình cứ làm thật, làm chuẩn không sợ cam ế. Bác Phúc cũng rất tin tưởng vào mình và quyết tâm thay đổi cách canh tác nên cứ thế mà làm thôi”, Ly cho hay.
Bước ngoặt lớn nhất của Ly là khi cô kết nối được với Ban Tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Long Xuyên (An Giang) và Phiên chợ Xanh tử tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp-đơn vị xây dựng Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP. Hồ Chí Minh để đưa cam và một số nông sản đặc sản của Tuyên Quang vào giới thiệu và bày bán. Cam Hàm Yên của Ly được đón nhận nhiệt tình.
Từ hộ bác Phúc, nhiều hộ khác bắt đầu tin tưởng vào cách làm của Ly. HTX Cam sành Sơn Nữ ra đời. Cẩm Ly làm Giám đốc HTX và 16 thành viên là những người nông dân thật thà, quyết tâm thay đổi cách canh tác. Sau 2 năm canh tác theo hướng hữu cơ, hơn 500 gốc cam sành của gia đình bác Phúc đã mang lại năng suất cao hơn. Mùa cam vừa qua, gia đình bác thu được hơn 45 tấn quả, nhiều hơn những năm trước 15 tấn.
Hiện tại, HTX đã nghiên cứu thành công các sản phẩm từ cam như: Nước cam lên men, tinh dầu cam, xà bông từ cam và đang xúc tiến các hoạt động kêu gọi vốn để lắp đặt nhà xưởng và dây chuyền sản xuất các sản phẩm này. Từ đó, vừa nâng cao giá trị sản phẩm cam sành, đa dạng các nguồn tiêu thụ, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho các hộ trồng cam.
AN ĐỒNG