Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những sợi “tơ lòng” gắn kết cô trò

Hiếu Anh, Chu Hiệu - 10:02, 18/12/2020

Những mỏm đá tai mèo sắc lạnh, đất khô cằn, nước hiếm hoi… là những hình ảnh “ăn sâu bám rễ” với vùng đất nghèo Lục Khu (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) không biết bao nhiêu đời nay. Ở cái mảnh đất lắm nắng nhiều sương này, gieo cây ngô, cây cải còn khó huống chi việc “gieo chữ” trồng người. Thế nhưng, trong gian khó, khắc nghiệt luôn xuất hiện những thầy cô giáo với bao hoài bão, trách nhiệm, cần mẫn, kiên trì từng giờ, từng ngày đem cái chữ đến cho con em dân bản...

Các thầy cô tận tụy chỉ dạy từng con chữ cho trẻ em vùng cao
Các thầy cô tận tụy chỉ dạy từng con chữ cho trẻ em vùng cao

Chắt chiu từng giọt nước

Một ngày cuối năm, khi cái rét nơi  biên cương ập tới, chúng tôi theo chân thầy giáo Triệu Văn Thái, giáo viên cắm bản đến điểm trường Lũng Giỏng, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng. Từ trung xã đến điểm trường chừng hơn chục cây số, nhưng trên con đường đất ít, đá nhiều xe phải “bò” thật chậm. Ấy vậy mà thầy Thái chia sẻ, may mắn hôm nay trời không mưa nên mới vào bản thuận lợi, chứ những hôm trời mưa, đường trơn trượt, các thầy phải cuốn xích vào lốp xe mới đi được. Những hôm đi đường khó khăn như vậy, thầy cùng nhiều giáo viên khác cũng cảm thấy nản lòng. Thế nhưng, nghĩ đến những các cô cậu học trò nhỏ ở vùng biên viễn vẫn ngày ngày ngóng đợi mình, các thầy cô lại động viên nhau vượt khó vào bản.

Trò chuyện với thầy Thái được hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã vào tới điểm trường Lũng Giỏng. Đến đây, khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới, tiếng cười nói của các em học sinh trên đường đến lớp, chúng tôi càng trân trọng hơn sự hy sinh của các thầy, cô giáo đang ngày đêm bám lớp, bám trường gieo chữ cho con em đồng bào DTTS. Bởi các thầy cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy các em về chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Điểm trường Lũng Giỏng có 43 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo học, trong đó có một lớp ghép. Cô giáo Hoàng Thị Huyền, người có 16 năm dạy học ở điểm trường này cho biết, dạy học ở các điểm trường lẻ ở vùng Lục khu gặp nhiều khó khăn, nhất là về nước sinh hoạt. Những năm hạn hán ít mưa, các thầy, cô phải vào những khe đá, hứng từng can nước gánh về, chắt chiu từng giọt nước để dùng cho sinh hoạt cả tuần...

Các cô giáo chăm chút cho đàn em nhỏ từng bữa cơm
Các cô giáo chăm chút cho đàn em nhỏ từng bữa cơm

Cô Huyền chia sẻ thêm, mặc dù nhiều khó khăn nhưng đi dạy học ở các điểm trường lẻ cũng có nhiều kỷ niệm. Bà con vùng Lục Khu rất tốt, khi thấy các thầy cô giáo thiếu nước, họ bảo nhau góp nước ủng hộ. Có lẽ chính sự mộc mạc, chân thành giản dị đó trở thành  những sợi “tơ lòng” gắn kết các thầy cô với núi rừng, với bà con dân bản.

Ngôn ngữ của trái tim

Gieo con chữ ở Lục Khu, các thầy cô không chỉ gặp khó trong sinh hoạt về đường đi lối lại, về ăn, ở mà còn gặp phải rào cản về ngôn ngữ mà nếu không kiên trì thì khó mà vượt qua được.

Điểm trường Sỹ Điêng thuộc Trường Tiểu học Trung học Cơ sở Vần Dính, xã Thượng Thôn, có trên 50 học sinh, chủ yếu là con em người Mông. Học sinh ở đây do ảnh hưởng của phương ngữ nên phát âm rất khó nghe. Để hiểu các em, thầy cô phải dùng ngôn ngữ của trái tim. Đó là sự kiên trì lắng nghe, rồi mày mò tự đi học tiếng Mông. Cô giáo Hoàng Thị Kiểm cho biết, bản thân cô là người Tày nên khi dạy học sinh người Mông, cô đã phải “3 cùng” hàng năm ròng với bà con dân bản để học tiếng. Có như vậy, cô mới giúp các học trò của mình nhận mặt chữ, ghép âm và nói tiếng Việt tốt.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng cho biết, hiện nay, huyện Hà Quảng có gần 100 điểm trường, chủ yếu ở cấp mầm non và tiểu học với hơn 400 giáo viên. Sự nhiệt huyết của các thầy, cô giáo vùng cao, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Nhờ đó, những năm gần đây, công tác phổ cập giáo dục, huy động học sinh ra lớp luôn được duy trì, nâng cao. Nhiều điểm trường lẻ đã được cải tạo và nâng cấp để đáp ứng chương trình giáo dục.

"Tuy nhiên, để đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới, các điểm trường cần được quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho các thầy, cô giáo...", ông  Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ. 

Học trò vùng cao tặng thầy cô những bó hoa rừng
Học trò vùng cao tặng thầy cô những bó hoa rừng

Có lẽ không riêng gì Lục Khu của tỉnh Cao Bằng, mà còn đó hàng nghìn điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa trên mọi miền Tổ quốc vẫn phải đối diện với khó khăn. Thế nhưng, dù thiếu thốn như Lục Khu, hay ở những vùng còn khó khăn hơn nữa cũng không thể ngăn được bước chân của những thầy, cô giáo đã và đang sẵn sàng gieo "con chữ", với mong muốn, mai sau con em đồng bào DTTS sẽ có tương lai tươi sáng...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.