Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những quyết sách làm thay đổi vùng DTTS và miền núi ở Quảng Ninh: Phát triển giáo dục thông qua chính sách đặc thù (Bài 1)

Mỹ Dung-Việt Hà - 12:04, 09/12/2023

Với những quyết sách đúng đắn, giải pháp phù hợp triển khai thực hiện trong một thời gian dài, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh đã thoát khỏi diện khó khăn. Lộ trình tiếp theo của tỉnh là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong khu vực này nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; đồng thời cải thiện rõ nét về chất lượng đời sống của Nhân dân. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực mang tính chiến lược và lâu dài.

Trường THCS và THPT Quảng La được xây mới khang trang, bề thế với tổng mức đầu tư là 197,5 tỷ đồng
Trường THCS và THPT Quảng La được xây mới khang trang, với tổng mức đầu tư là 197,5 tỷ đồng

Quảng Ninh có 11,45% dân số là đồng bào DTTS cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là ban hành các chính sách giáo dục đặc thù giúp nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Tiếp tục đầu tư cơ sở, thiết bị trường, lớp học....

Nằm trên địa bàn xã vùng cao Quảng La (TP.Hạ Long), Trường THCS và THPT Quảng La có hơn 60 % học sinh là con em đồng bào DTTS. Trường đã được đầu tư xây mới khang trang, bề thế với tổng mức đầu tư là 197,5 tỷ đồng, là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dành cho vùng đồng bào DTTS.

Em Triệu Thị Mai, dân tộc Dao, lớp 12A2, trường THPT Quảng La hào hứng chia sẻ: “Được học trong ngôi trường mới, chúng em cảm thấy rất vui và tự hào. Chúng em mong muốn các bác lãnh đạo có thể tiếp tục quan tâm đầu tư thêm các trang thiệt bị hiện đại để chúng em có điều kiện học tập hơn, tiếp cận các phương thức học tập mới hơn và tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn”.

Bà Lê Thị Kim Thu, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Quảng La chia sẻ, được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long, nhà trường được trang cấp cơ sở trường học mới rất khang trang, hiện đại. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển chất lượng giáo dục, là tiền đề cho công tác đào tạo nguồn nhân lực tương lai. Từ những thuận lợi về cơ sở hạ tầng, Nhà trường phấn đấu nâng cao chất lượng trong công tác dạy và học để tạo dựng được môi trường giáo dục phát triển toàn diện cho các em học sinh vùng cao, vùng DTTS.

Bước vào năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục Quảng Ninh đã “mạnh tay” ưu tiên chi gần 1.200 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường học, đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS , miền núi, biên giới, hải đảo, quan tâm phát triển trường học theo tiêu chí chất lượng cao. Theo đó, đã có hàng loạt các công trình giáo dục được đầu tư xây mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như, trường THPT Quảng La (TP.Hạ Long); THPT Bình Liêu; trường THPT Dân tộc nội trú Ba Chẽ;trường THCS Vạn Yên (Vân Đồn)...

Các đại biểu cắt băng khánh thành và đưa Trường Trung học phổ thông Bình Liêu, Quảng Ninh vào sử dụng trong năm học 2023-2024.
Các đại biểu cắt băng khánh thành đưa Trường Trung học phổ thông Bình Liêu vào sử dụng trong năm học 2023-2024.

Còn nhớ ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, thầy và trò Trường THPT Bình Liêu  hân hoan bước vào năm học mới trong ngôi trường to đẹp, khang trang. Ngoài sự phấn khởi của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường; thì còn có phụ huynh và Nhân dân và cả cũng các cấp chính quyền huyện Bình Liêu cũng tự hào về những cố gắng, quyết tâm của địa phương đối với việc đầu tư cho giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS, góp phần kéo giảm khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi; và là cách đầu tư chiến lược  hiệu quả nhất để tiếp tục tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau này, phục vụ cho sự phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Trường mới được đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên giảng dạy và học sinh học tập, rèn luyện, phấn đấu trong môi trường và điều kiện giáo dục tiên tiến và đầy đủ”, ông Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Liêu chia sẻ thêm.

Nhiều quyết sách giáo dục vì lợi ích Nhân dân

Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 11 Nghị quyết về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, góp phần đổi mới phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh. Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội vùng DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh giúp sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới.

Bà Phạm Thùy Linh, Hiệu phó trường Mầm non Nam Sơn, huyện Ba Chẽ cho biết: Nhà trường luôn thuận lợi trong thực hiện các chế độ chính sách của tỉnh đối với trẻ em vùng miền núi, DTTS. Do vậy, phụ huynh cũng rất phấn khởi khi con em họ được hỗ trợ một phần kinh phí để nhà trường tổ chức cho các em ăn ngủ tại trường. "Hiện nay, trường duy trì được sĩ số học sinh ra lớp; đảm bảo tỷ lệ chuyên cần theo kế hoạch và nâng cao được chất lượng bữa ăn của trẻ tại trường”.

Đặc biệt, mới đây Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 22, ngày 31/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204, ngày 30/7/2019 và Nghị quyết số 248 ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh Quảng Ninh cho các đối tượng ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là một chính sách mang nhiều ý nghĩa nhân văn, là sự trợ lực quan trọng đối với các em học sinh vùng cao, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

“Theo Nghị quyết, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có những chính sách đặc thù hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, học sinh các cấp phổ thông ở các vùng, thôn vừa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn: hỗ trợ ăn trưa, dạy hè (đối với mầm non), bán trú, học phí, học năng khiếu, hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho cơ sở giáo dục...”, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ.

Bữa ăn bán trú của học sinh trường PTDT bán trú TH&THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên)
Chính sách đặc thù tạo điều kiện để các em học sinh trường PTDT bán trú TH&THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên) tiếp tục được hỗ trợ bữa ăn bán trú

Chia sẻ về tính ưu việt từ những chính sách đặc thù dành cho giáo dục của tỉnh, bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ cho biết: Ba Chẽ là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều thì những chính sách đặc thù này, là nguồn trợ lực lớn cho ngành giáo dục Ba Chẽ tiếp tục triển khai được nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế để hoàn thành tốt các mục tiêu về nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao theo chỉ đạo của tỉnh, nhất là việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, vì hiện nay cấp học này ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn không ít khó khăn. 

Ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, ở Quảng Ninh việc thực hiện được thể hiện trong các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã và đang được ngành giáo dục, các cấp chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị thực hiện tốt. Nhờ đó, khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi đang từng bước được thu hẹp, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.