Khổ ải cung “đường rừng”
Tham gia cùng Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc-HĐND tỉnh, chúng tôi đã có dịp tiếp cận một số xã đặc biệt khó khăn ở miền núi của tỉnh Quảng Trị như: Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), Hướng Sơn (Hướng Hóa) và Tà Long (Đakrông). Đây là những địa bàn có hạ tầng giao thông hết sức khó khăn do địa hình hiểm trở, địa bàn rộng lớn và bị chia cắt bởi núi đồi, sông suối. Nhiều bản làng được ví như “ốc đảo”, vì tách biệt gần như hoàn toàn với bên ngoài.
Để vào bản Cát, Trỉa của xã Hướng Sơn, xã đã phải huy động gần chục người là cán bộ thông thuộc địa bàn chở chúng tôi đi. anh Hồ Văn Chương, cán bộ thú y xã là một tay lái cứng cựa nhưng trước khi nổ máy, anh cảnh báo: “Ngồi sau xe, anh phải ôm chặt người lái và hết sức bình tĩnh. Đường sá sau mưa trơn trượt, rất dễ té ngã”.
Chỉ sau một đoạn đường tương đối bằng phẳng, chúng tôi bắt đầu hành trình vào những đoạn đường thật sự khổ ải bằng cách vượt qua con “đường đá suối”. Tiếp đến là liên tiếp những đoạn đường đèo dốc quanh co dựng đứng, bùn đặc quánh. Đường chỉ là những lối mòn nhỏ, lổn nhổn đá, hai bên là những rãnh sâu nhão nhoét bùn đất do xe Ural 3 cầu đi qua để lại. Trên đường đi, có nhiều đoạn đường nhỏ mỏng manh men dựa theo sườn núi hẹp, một bên là mép vực sâu giáp ranh với Khu Bảo tồn bắc Hướng Hóa.
Vượt qua rất nhiều đồi cao, dốc dựng đứng, những lối mòn nhỏ hẹp xuyên rừng với tổng chiều dài hơn 30 cây số, chúng tôi mới tiếp cận được với bản Trỉa và thêm vài km nữa để đến bản Cát. Các thôn Cát, Trỉa nằm biệt lập giữa rừng sâu núi thẳm, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. Giao thông cách trở nên các loại nhu yếu phẩm, hàng hóa có giá hết sức đắt đỏ; các loại xe máy mỗi lần hư hỏng đều phải dắt bộ ra tận trung tâm xã mới có thợ sửa; mỗi lít xăng giá gần 40.000 đồng... Lo lắng nhất của bà con là mỗi khi có người thân đau ốm phải huy động thanh niên trai tráng cáng bộ băng rừng vượt suối ra trạm y tế cấp cứu. Bí thư Chi bộ thôn Cát, xã Hướng Sơn-Hồ Văn Thứ than thở: “Từ xưa đến nay, con đường giao thông vào các thôn Cát, Trỉa vẫn là đường mòn từ hồi chiến tranh để lại, đi lại quá khó khăn. Người dân chúng tôi luôn ao ước có một con đường bằng phẳng để thuận tiện trong việc đi lại nhưng vẫn chưa có”.
Còn ở các thôn Ba Ngày, A Đu của xã Tà Long, huyện Đakrông thuộc địa bàn biên giới vùng sâu vùng xa. Do chưa có đường giao thông từ trung tâm xã về đến thôn nên mọi điều kiện sinh hoạt của người dân ở đây hết sức khó khăn. Muốn vào được thôn Ba Ngày, chúng tôi phải đi vòng qua tuyến đường Lìa của huyện Hướng Hóa để vào. Từ trung tâm xã Tà Long vào các thôn A Đu, Ba Ngày do không có đường giao thông, rừng núi lại hiểm trở, đồi dốc nên phải đi bộ men theo các bìa rừng. Chính vì thế, 110 hộ dân ở 2 thôn đặc biệt khó khăn này luôn khát khao có một con đường nối từ trung tâm xã về tạo thuận lợi cho bà con đi lại, sinh hoạt.
Ông Hồ Văn Diên, Chủ tịch UBND xã Tà Long, huyện Đakrông chia sẻ: “Vì đường giao thông quá khó khăn, hệ thống thông tin liên lạc chưa được phủ sóng nên việc giao thương hàng hóa của người dân, việc học hành của con em rất gian truân. Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục… của địa phương cũng hết sức gian nan”.
Cần sớm được đầu tư
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 29 xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất) và xã biên giới, 22 thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn. Đây là những khu vực hiện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với gần 9.600 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 61% so với cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh. Về nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ tính trong 3 năm trở lại đây tỉnh Quảng Trị đã dành gần 100 tỷ đồng cho Chương trình 135. Ngoài ra, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Ailen tài trợ 16,5 tỷ đồng cho các xã đặc biệt khó khăn 135, từ 2015- 2017 để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a và Chương trình 135, cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn ở tỉnh Quảng Trị đã được đầu tư xây dựng, từng bước làm thay đổi diện mạo miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình, dự án trên đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông về đến trung tâm xã, kiên cố hóa hệ thống trường học để xóa trường học bằng tranh tre nứa lá. Hệ thống cấp nước tự chảy, điện khí hóa đã được đưa về để phục vụ cuộc sống của nhân dân.
Các chương trình hỗ trợ sản xuất như khai hoang đất đai, hỗ trợ cây con giống phát triển sản xuất từng bước cải thiện nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do địa bàn miền núi trải rộng, dân cư phân bố không tập trung, địa hình giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt nên nhiều hạng mục công trình thường thường bị xuống cấp, hư hỏng. Đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu được đầu tư của các địa phương hiện nay rất lớn nhưng nguồn lực của tỉnh, vốn hỗ trợ của Chương trình 135 còn hạn chế... đã ảnh hưởng đến công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Hồ Quốc Hương, Phó trưởng Ban Dân tộc-HĐND tỉnh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, rất cần sự quan tâm của Chính phủ cùng các cấp, các ngành trong việc huy động và bố trí các nguồn lực đầu tư, đảm bảo đủ mạnh, nhất là đầu tư về hạ tầng giao thông miền núi”.
ĐỨC VIỆT