Hành trình tìm lại đôi chân lành lặn cho đứa trẻ tật nguyền
Từ các nguồn thông tin chia sẻ về số phận của cậu bé người Nùng, khi sinh ra với đôi chân dị tật, mẹ Lù Văn Chiến đã bỏ đi từ khi cậu bé còn nhỏ. Sau đó, bố bị vướng vào vòng lao lý, cậu sống cùng với ông bà. Nhưng rồi ông mất, cậu sống cạnh bà nội già yếu bên trong căn nhà cũ kĩ ở vùng núi cao heo hút thuộc xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Mong muốn cháu phát triển như đứa trẻ bình thường, bà nội vẫn cho Chiến vào lớp 1 tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Khòa. Từ nhà đến trường phải trải qua con đường gập ghềnh, xa xôi nhưng bà nội, bạn bè của Chiến đã không quản ngại khó khăn khi cõng cậu bé trên lưng để vượt qua khó khăn này. Ở trường, cậu cũng nhận được sự quan tâm, yêu thương của thầy, cô giáo và bạn bè nên cậu bé được đánh giá là rất ngoan và ham học.
Một ngày vào năm 2019, Giáo sư Mạch Diệp - Việt kiều Na Uy, đi từ thiện đến xã Nậm Khòa và gặp cậu bé Lù Văn Chiến. Khi thấy cậu bé gầy gò (lúc này cậu đã 7 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 11 kg), hoàn cảnh khó khăn, với hình hài dị biệt, đôi chân khòng khoèo, lúc nào cũng đang lê lết nửa người dưới đất theo các bạn, đã khiến Giáo sư Mạch Diệp và đoàn từ thiện vô cùng thương cảm. Bà đã nỗ lực tìm hiểu về dị tật của cậu bé và tìm cách liên lạc với một số bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhưng không tìm thấy được giải pháp phù hợp. Không muốn bỏ cuộc, bà tiếp tục đăng tải lên facebook về câu chuyện của Chiến với câu hỏi khẩn thiết “ai có thể giúp cậu bé này?”, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Trong số đó có nhóm thiện nguyện “Kết nối yêu thương” do chị Võ Thảo - Việt kiều Mỹ làm nhóm trưởng. Nhóm này đã kết nối với Giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình sống ở Melbourne (Úc) về tình trạng của Chiến. Bác sĩ Trần Anh Tôn nhận lời chữa cho cậu bé nhưng với điều kiện phải có người tại Việt Nam đến tận nhà cậu bé để ông có thể nhìn thấy cậu qua video. Một thành viên của nhóm “Kết nối yêu thương”, chị Trần Mai Vy đã tình nguyện vượt qua quãng đường gần 1.500 km đi từ Tp. Kon Tum đến xã Nậm Khòa, Hà Giang để trực tiếp gặp Chiến.
Khi nhận được thông tin, thầy Nông Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Khòa đã đón hai bà cháu tới trường bởi tại trường mới có Internet để thực hiện cuộc gọi Video với bác sĩ Tôn. Sau khi chị Mai Vy kết nối với bác sĩ bên Úc, ông cho biết, tình trạng của cậu bé có thể chữa được, nhưng cần đưa cậu bé sang Úc. Thấy có hy vọng, chị Mai Vy và nhiều nhà hảo tâm đã chung sức lo các thủ tục, trong đó chị Vy là người xung phong cùng cậu bé người Nùng lên đường sang Úc để “tìm lại” đôi chân lành lặn cho em.
Sau nhiều khó khăn để hoàn thiện hồ sơ xin cấp Visa cho một cậu bé nghèo, bệnh tật và có hoàn cảnh phức tạp, chuyến bay sang Úc cuối cùng đã chốt ngày khởi hành trong tháng 11/2019. Trong chuyến bay ấy, chị Mai Vy đưa cậu con trai 17 tuổi bị bại não cùng đi.
Chập chững bước đi ở tuổi lên 7
Ba người Việt, trong đó có 2 đứa trẻ tàn tật, đặt chân đến thành phố Melbourne của “xứ sở chuột túi” Úc. Những người theo dõi câu chuyện này có thể phần nào thấu hiểu được cảm giác lạ lẫm, vất vả, lo lắng, hoang mang của những người trong hoàn cảnh này, đặc biệt là chị Mai Vy. Tại Bệnh viện St John of God Berwick, Giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn và êkip đã thực hiện ca phẫu thuật hai bàn chân và khớp háng bên kéo dài 8 tiếng. Về sau, khi chia sẻ với báo chí về thời điểm này, chị Vy nhớ lại “ngày hôm đó, trời lạnh tê tái, ngồi ngoài phòng mổ mà tôi lo thắt ruột. Ơn trời, ca mổ đã thành công”.
Câu chuyện về cậu bé tật nguyền Lù Văn Chiến lần đầu tiên được bước đi trên đôi chân của mình đã xuất hiện trên các trang báo tại Úc. Trên trang nhất của tờ báo Herald Sun, sự thay đổi kỳ diệu của Chiến được gọi là “món quà tốt đẹp nhất” đến từ những tấm lòng, nỗ lực tuyệt vời của những nhà hảo tâm và các y, bác sĩ đối với một đứa trẻ sinh ra trong hình hài dị biệt, hoàn cảnh khó khăn. Báo chí Việt Nam cũng nhắc tới câu chuyện này bằng những mỹ từ như “giấc mơ có thật”, “câu chuyện kỳ diệu”…
Trở về Việt Nam, Chiến cần phải được tập vật lý trị liệu một thời gian dài để cải thiện cử động đi lại. Bởi vậy, chị Mai Vy đã quyết định nhận cậu bé làm con nuôi để Chiến có điều kiện tập luyện đôi chân của mình, không uổng phí công sức của rất nhiều người. Chị Vy chia sẻ, quyết định này của chị đã từng bị nhiều người “lời ra tiếng vào”. Tuy nhiên, chồng của chị cuối cùng đã ủng hộ chị hoàn thành thủ tục nhận nuôi Chiến và cùng nuôi dưỡng cậu bé với hai cậu con trai của mình.
Được biết, cậu bé Chiến đứng vững trên đôi chân, chập chững những bước đầu tiên ở tuổi lên 7. Dần dần, cậu bé còn có thể đi nhanh hơn, rồi đạp xe quanh nhà, tự đi học, vui chơi cùng với bạn bè. Thậm chí, cậu bé còn có thể trở về Hoàng Su Phì để thăm bà, bạn bè, thầy cô - những người đã yêu thương, giúp đỡ cậu vượt qua hoàn cảnh.
Sức mạnh của lòng tốt
Đôi khi, những hành động giúp đỡ người gặp khó khăn xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, không cần nhận lại điều gì, nhưng sức mạnh của lòng tốt có thể khiến thay đổi nhiều số phận và đem đến niềm hạnh phúc cho nhiều người.
Lòng tốt của người thân hay người lạ đều có thể tiếp thêm động lực cho những người trong hoạn nạn vượt qua chông gai, tạo nên những tình cảm tốt đẹp, câu chuyện tích cực, truyền cảm hứng cho xã hội. Lòng tốt đôi khi chỉ thể hiện ở những việc rất nhỏ như giúp bà cụ qua đường, quyên góp một số tiền nhỏ, quần áo, sách vở cho những bạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa; đến những nỗ lực to lớn hơn như đồng hành, cứu giúp, thay đổi cuộc đời, số phận của một cậu bé tật nguyền được bước đi trên một đôi chân bình thường như câu chuyện của Chiến.
Nhiều người xem lòng tốt chính là thứ của cải vô giá, là phần thiện lương tốt đẹp trong nhân cách con người, được bộc lộ qua cách con người cư xử với nhau, sẻ chia, nâng đỡ và gắn bó trong cuộc sống. Truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam được truyền từ đời này qua đời khác là một nét đẹp tiềm ẩn bên trong mỗi con người, có sức mạnh lan toả đến cả những người khác.
Trong xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh, những mảnh đời khó khăn cần được giúp đỡ. Mỗi ngày, vẫn có những nhà hảo tâm, những người tốt mang những yêu thương đi sẻ chia cho những số phận đó với một trái tim nhân hậu. Thông qua những hành động thiện nguyện, con người tìm thấy sự gắn kết, niềm hân hoan, vui vẻ, hạnh phúc. Như nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward từng nói rằng “Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác, chia sẻ cùng người khác”.