Để chuẩn bị cho toàn bộ quá trình tiêm thử nghiệm vaccine, Học viện Quân y chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt như thiết bị xét nghiệm, giường lưu cho cho các tình nguyện viên. Ngoài ra, Học viện cũng có các bác sĩ cấp cứu sẽ liên tục theo dõi sức khoẻ của những trường hợp tiêm vaccine để sẵn sàng có biện pháp xử lý kịp thời nếu có những phản ứng không mong muốn.
Ngày 17/12, một tuần sau khi tuyển người, Học viện Quân y sẽ tiêm mũi vaccine Nanocovax đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm: Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên; Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg.
Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg.
Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vaccine trên 3 người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Là người đầu tiên tình nguyện đăng ký tiêm vaccine, cô gái N.L.P. 25 tuổi, ở Bắc Ninh là học viên cao học y khoa đã từng nghiên cứu và tìm hiểu về Covid-19 nên P. hiểu rõ những tác hại của căn bệnh này. Bản thân cô khá e ngại nhưng cô vẫn có niềm tin và đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của Việt Nam.
"Tôi có niềm tin. Học viện Quân y cũng đã sẵn sàng cho những tình huống như vậy. Nếu xảy ra trường hợp đó, tôi sẽ là người được chăm sóc sức khoẻ đầu tiên. Nếu thử nghiệm không tốt, tôi có thể dừng lại bất cứ lúc nào”, P. nói.
GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, để chuẩn bị cho công tác thử nghiệm vaccine, học viện chuẩn bị sẵn một hệ thống trang thiết bị như tủ lạnh âm sâu để bảo quản vaccine Nanocavax trong điều kiện nhiệt độ từ -2 đến -8 độ C. Học viện cũng bố trí khoảng 24 giường bệnh với nhiều bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn cao, túc trực 24/24 để chăm sóc về dinh dưỡng, sức khoẻ cho các tình nguyện viên. Ngoài ra, kíp trực cũng sẵn sàng can thiệp nếu các tình nguyên viên có những phản ứng không mong muốn.
GS.TS Đỗ Quyết cũng khẳng định, giai đoạn thử nghiệm vaccine lần này tại Học viện Quân y, tính an toàn phải đặt lên hàng đầu. “Chúng tôi cam kết, nếu không an toàn, Học viện Quân y sẵn sàng độc lập và đề nghị không thực hiện. Học viện sẽ cố gắng không để xảy ra những tai biến không mong muốn. Chúng tôi không đổi an toàn của người Việt Nam, của cộng đồng với bất cứ thứ gì khác”, GS Quyết khẳng định.
Theo ông Đỗ Minh Sỹ - Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen, trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm, đơn vị cũng đã tính toán tới những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí lường trước tới những tai biến có thể ảnh hướng tới tính mạng theo quy định thử nghiệm lâm sàng khi thiết kế đề cương lâm sàng. Vì vậy, đơn vị này và Học viện Quân y đã chuẩn bị sẵn sàng các bước và ê kíp sẵn sàng xử trí nếu có.
Ngoài ra, Công ty Nanogen cũng chuẩn bị cho tình nguyện viên 2 phương án xử trí. Đầu tiên đơn vị sẽ ký hợp đồng với hãng bảo hiểm để mua bảo hiểm cho các tình nguyện viên phòng những tình huống xấu nhất. Tiếp đó, Nanogen cũng ký với ngân hàng để có những chính sách bồi thường cho họ trong trường hợp xảy ra những sự cố không mong muốn mà bảo hiểm không chi trả.
Theo đại diện của Công ty Nanogen, dự kiến, nếu mọi việc diễn ra tốt, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vaccine. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vaccine vào tiêm chủng đại trà. Ngoài ra, dựa trên công nghệ đang có, Nanogen có thể sản xuất lên tới 20 triệu liều vaccine trong một tháng./.