Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Những ngày cách ly

H’Yuên - 18:12, 05/08/2021

Đại dịch Covid-19 trở lại thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) và các huyện lân cận khiến tôi và một số anh chị đồng nghiệp không thoát diện phân loại hạng F, bởi vô tình thành F2 nên phải thực hiện biện pháp cách ly tại nhà theo quy định.

Một góc thị xã Ayun Pa (Gia Lai) thanh bình khi chưa có dịch Covid-19
Một góc thị xã Ayun Pa (Gia Lai) thanh bình khi chưa có dịch Covid-19

Những ngày cách ly, công việc online vẫn cứ đều đặn. Việc mở zalo, theo dõi thông tin trên mọi phương tiện trở thành thói quen như một phần của cuộc sống thường nhật, buồn vui cứ chợt đến rồi qua. Buồn khi thấy số ca bệnh nhiễm Covid-19 trên một số tỉnh, thành trên cả nước không ngừng tăng. Vui trở lại khi số bệnh nhân khỏi bệnh cũng khá nhiều, chưa kể số ca xét nghiệm âm tính tương đối lớn. Người dân chưa thuộc diện F vẫn nghiêm túc thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Là cán bộ làm công tác tuyên truyền, niềm vui, hạnh phúc thời Covid-19 chỉ gói gọn trong phạm vi từ những “con số biết nói”: Số ca nhiễm Covid-19 giảm, số ca khỏi bệnh và người dân còn trong vùng an toàn.

Và trách nhiệm lúc này, tuy không phải là những hành động “đao to, búa lớn” như các bạn bè, anh chị em thân quen đã và đang làm ở ngoài kia, bằng cả tấm lòng thông qua việc tích cực kêu gọi, huy động mọi lực lượng, nhất là các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các đơn vị đang ở trong tâm dịch như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Với người phải cách ly tại nhà, bằng việc tích cực chia sẻ thông tin về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 để mọi người cùng biết và tiếp tục chia sẻ cũng là phương cách hữu hiệu. Rồi tuyên truyền thông điệp chung tay phòng, chống dịch Covid-19, từ đó tự nâng cao nhận thức bảo vệ sự an toàn của mỗi người và cộng đồng...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19
Khu điiều trị dịch vụ chất lượng cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Thời gian những ngày cách ly trôi qua chậm rãi. Mỗi sáng sớm thức dậy, tôi và các con chạy ùa ra sân sau, khua vài ba động tác tay, chân theo nhạc cũng thấy khỏe người. Những ngày bình thường chuyện đi làm đúng giờ, công việc cơ quan chiếm lĩnh thời gian, nhiều thứ tốt đẹp dường như bị bỏ qua. Buổi trưa nhàn rỗi, lân la trên mạng tìm hiểu cách nấu món ngon, bổ dưỡng và đúng thời Covid rồi tập tành nấu món mới lạ cho cả nhà thưởng thức, nhận “cơn mưa lời khen” từ chồng, con niềm vui khi ấy cũng thật khó tả.

Buổi tối ngoài những giờ theo dõi thông tin thời sự, tôi và các con lại có thêm mini game đố hỏi tiếng Anh giúp con làm quen với ngoại ngữ bằng những đồ vật thân quen, gần gũi, bản thân lại được dịp trau dồi thêm vốn từ vựng vốn “nghèo nàn” bởi những thói quen trước đây tưởng chừng vô hại như lướt web, shopping online. Ngoài ra còn khơi nguồn sáng tạo bằng cách cùng nhau vẽ tranh, tô màu, không khí vừa học, vừa chơi trở nên vô cùng hấp dẫn, thú vị…

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa

Trước giờ đi ngủ, ngoài việc dành chút thời gian tự chăm sóc sắc đẹp… bản thân còn dành hơn cả tiếng đồng hồ đọc, trải nghiệm cảm xúc, làm giàu vốn từ vựng tiếng Việt với những truyện ngắn, tập tản văn, tản mạn của anh, chị đang theo nghiệp văn chương. Đọc truyện, sách, báo lúc này giá trị không chỉ dừng lại là làm giàu vốn từ, mà cảm xúc và những quan điểm về cuộc sống xung quanh cũng thêm nhiều sắc màu mới mẻ và rồi tâm hồn cũng trở nên thoải mái, nhẹ nhàng, lối nghĩ, cách sống cũng lạc quan hơn.

Vốn dĩ yêu cây xanh, hoa trái, thích công việc làm vườn, lại sẵn mùa mưa đang về, tôi tức tốc xắn tay gom đủ loại cây từ khắp mọi nơi để trồng trong vườn vốn đang trơ trọi bởi trời hạn cả mấy tháng ròng rã. Vài ngày sau, vườn trống thưa đã kịp phủ đầy màu xanh bằng những cây sả, mía, chuối, dứa, đặc biệt là cây sắn (mì). Cả nhà cùng nhau tỉa ngô, trồng thêm bí đỏ, dưa leo, ươm giống cà, trái ớt… Tận mắt thấy hạt nảy mầm, chồi cây vươn ra trỗi dậy hàng ngày, màu xanh dần lan tỏa khắp vườn như thể tiếp thêm năng lượng tích cực cho người trồng, chăm bón.

Giò hoa tự trồng khoe sắc tạo không khí, tâm lý tích cực trong những ngày cách ly
Giò hoa tự trồng khoe sắc tạo không khí, tâm lý tích cực trong những ngày cách ly

Không khí ngày hè oi bức nơi thung lũng nay trở nên trong lành, dịu mát, đem lại cảm giác dễ chịu bởi không gian xanh và những cơn mưa mát lành ùa về. Trước sân nhà, vườn hoa mười giờ, cúc, hồng… thi nhau đua nở, tạo không gian rực rỡ sắc màu. Hàng rào trơ thép gai nay đã khoác trên mình dàn áo hoa sử quân tử quyến rũ trông thật tươi mới. Bàn làm việc ngay cửa sổ cứ thế đón ánh nắng ấm mỗi sớm bình minh, ngắm cúc vàng phe phẩy, đu đưa những cánh hoa trước gió lòng chợt rung rinh, thổn thức thời xuân thì. Vậy mới hiểu, chỉ cần có những hành động tích cực, sẽ luôn có sự đổi thay mới mẻ, diệu kỳ, ít nhất là cuộc sống của mỗi người thêm nhiều sắc màu, thú vị.

Những ngày cách ly không thể đi đâu, làm gì ở ngoài kia tưởng chừng buồn tủi, khô khan, tẻ nhạt lại trở nên ý nghĩa và thú vị. Nhìn từng luống rau xanh, hàng cây ăn quả do tự tay mình trồng, chăm sóc trong những ngày cách ly tại nhà mà mường tượng trong những ngày, tháng tới đón nhận đầy hoa thơm, trái ngọt. Khi ấy, không chỉ bản thân và những người thân yêu được thưởng thức “cây nhà, lá vườn” ngon, sạch, an toàn, mà còn có thể chia sẻ với mọi người xung quanh, nhất là những người bạn, người em đang ở vùng tâm dịch nơi phố thị. Trong lòng cứ mãi vui, một niềm vui ngập tràn.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.