Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Đạ M’Rông

Văn Yên - 04:56, 10/11/2022

Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đồng bào DTTS xã Đạ M’Rông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã và đang áp dụng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế. Nhờ đó, mang lại thu nhập ổn định và hướng tới thoát nghèo bền vững.

Những mô hình giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS xã Đạ M’Rông

Chị K’Măng đang chăm sóc đàn heo con của mình để chuẩn bị xuất chuồng

Đạ M’Rông là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông, với 95% dân số là đồng bào DTTS, hiện hộ nghèo trên toàn xã là 34,06%. Nhờ sự tuyên truyền và hướng dẫn tận tình của các cán bộ về phương thức sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây đã dần thay đổi nhận thức và biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhớ lại những năm trước đây, gia đình chị Păng Ting K'Măng (40 tuổi, dân tộc Mnông) ngụ tại thôn Liêng K'Rắc 1, xã Đạ M’Rông thuộc diện khó khăn, nhà chỉ có 1 sào (1.000 m2) đất trồng lúa, ngô năng suất kém, chị chủ yếu đi làm thuê kiếm cơm qua ngày.

Qua tìm hiểu và nắm được hoàn cảnh của các hội viên nghèo, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông phối hợp với Trung tâm nông nghiệp huyện thành lập Tổ hợp tác xã nuôi heo đen địa phương cung ứng giống heo con, trao tặng heo giống cho 10 hộ trong thôn Liêng K’Rắc 1, trong đó, gia đình chị K’Măng được tặng 5 con heo đen cùng lưới rào xung quanh.

Theo chị K’Măng chia sẻ, heo đen có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, để heo phát triển tốt, Trung tâm nông nghiệp huyện Đam Rông thường xuyên cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật xuống nhà hướng dẫn chăm sóc và tiêm phòng định kỳ 1 năm 3 lần. 

Chị Păng Ting K'Măng cho biết thêm, heo nhà chị một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa trên 20 heo con, bán với giá hơn 3 triệu đồng/cặp heo, như vậy thu nhập từ bán heo giống khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân thấy mô hình nuôi heo đen của chị K’Măng hiệu quả nên đã đến để tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm.

Chỉ tay về phía đàn heo con, chị bảo heo giống này đã có người đặt trước để đem về nuôi. “Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ngành nên kinh tế gia đình tôi dần ổn định, không còn cảnh đói nghèo như trước nữa, cũng nhờ mô hình nuôi heo này mà tôi có tiền để nuôi các con ăn học, nhất là chu cấp cho con lớn đang học Đại học ở Đà Lạt”. Chị K’Măng vui vẻ nói.

Những mô hình giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS xã Đạ M’Rông 1

Nghề trồng dâu, nuôi tằm của gia đình chị K’Sớp mang lại kinh tế ổn định, thoát nghèo

Cũng giống như chị K’Măng, gia đình chị Liêng Jrang K'Sớp (40 tuổi); ngụ tại thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông, năm 2017, sau khi vay vốn NHCSXH huyện Đam Rông với số tiền 40 triệu đồng, chị mạnh dạn phá bỏ 2 sào đất trước đó trồng cà phê và lúa không hiệu quả chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, số tiền vay được chị đã đầu tư các dụng cụ để phục vụ việc nuôi tằm lấy kén.

Để biết về nghề trồng dâu, nuôi tằm trước đó chị K’Sớp đã tham gia nhiều lớp tập huấn do địa phương tổ chức liên quan đến nông nghiệp trong đó có kỹ thuật nuôi tằm, thu hái lá dâu, thu kén và phòng trừ dịch bệnh cho tằm, đồng thời, tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm những hộ dân đi trước.

Theo chị Liêng Jrang K'Sớp, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về từ nghề trồng dâu, nuôi tằm khoảng 80 triệu/năm, kinh tế ngày càng khá giả, căn nhà sập xệ của gia đình K’Sớp nay đã được xây dựng khang trang sạch sẽ, con cái được đến trường đầy đủ, cuộc sống no ấm.

Ông Kon Yông Ha Khắt- Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông cho biết, trên địa bàn xã có nhiều mô hình nông nghiệp, trong đó hai mô hình tiêu biểu là mô hình nuôi heo đen của chị Păng Ting K’Măng và mô hình trồng dâu, nuôi tằm của gia đình chị Liêng Jrang K’Sớp.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi năng suất kém sang triển khai, áp dụng thực tế những mô hình mới phù hợp với địa phương, đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả”. Ông Ha Khắt nói.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.