Có mặt tại xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị), trên công trường đường liên thôn Ba Ngày - A Du đang được các tổ thợ khẩn trương xây dựng để hoàn thành trước mùa mưa năm nay. Đây là công trình sử dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, với tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng là trên 3,1 tỷ đồng.
Công trình này được UBND huyện Đakrông phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật vào tháng 7 năm 2023. Qua các công đoạn khảo sát, thiết kế…, đến lựa chọn nhà thầu thi công. Đầu năm 2024, công trình tuyến đường liên thôn Ba Ngày- A Du đã được đơn vị nhà thầu khởi công xây dựng
Công trình được thiết kế đường cấp B, mặt cắt ngang nền đường rộng 5m, kết cấu mặt đường bằng bê tông M150 đá 2x4. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 700m, đấu nối với đường giao thông hiện hữu để kết nối liên thôn Ba Ngày - A Du. Công trình phòng hộ và đảm bảo an toàn giao thông cũng được bố trí đầy đủ cọc tiêu, biển báo, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc…đúng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Đến thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành phóng tuyến, tạo nền toàn tuyến giao thông liên thôn Ba Ngày - A Du. Phần nền đường cũng đã tạo và được xong và đang vào công đoạn lu lèn. Dự kiến, tuyến đường này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2024.
Khi hoàn công và đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ được kết nối giao thông với các tuyến giao thôn hiện hữu trong địa bàn xã Tà Long. Tạo điều kiện cho bà con DTTS đi lại, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng mục tiêu của Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, tuyến giao thông này cũng góp phần chỉnh trang nông thôn miền núi, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở xã miền núi Tà Long.
Cùng với Đakrông, Chương trình MTQG 1719 cũng trở thành nguồn lực quan trọng để huyện biên giới Hướng Hóa từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2023, ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã được đầu tư nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Trong đó, phải kể đến là đường vào khu sản xuất thôn A Hô, đường vào khu sản xuất thôn Ba Viêng. Cũng trong năm 2023, ở xã Thanh còn được đầu tư xây dựng tuyến giao thông liên xã từ xã Thanh kết nối với xã Lìa, có tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, các công trình này đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt. Đây cũng là điều kiện tiên quyết nhằm bảo đảm thông suốt giao thông ở những vùng sâu, vùng DTTS ở huyện Hướng Hóa.
Ông Lê Minh Mết, thôn A Ho, xã Thanh, phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước chưa có đường bê tông, bà con chỉ có thể đi bộ. Nếu mùa mưa lũ thì càng khó hơn vì các đoạn qua ngầm tràn bị ngập, chia cắt hết. Có con đường bê tông rộng rãi, tôi cũng như bà con ở xã Thanh rất vui vì việc đi lại đã thuận tiện hơn, con em đến trường cũng dễ dàng hơn. Tư thương có thể vào tận nhà để thu mua nông sản nên đời sống bà con được cải thiện”
Thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng hóa có 100% đồng bào DTTS sinh sống. Trước đây, do hệ thống giao thông chưa được kết nối nên Ra Ty trở thành thôn vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
Khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, UBND huyện Hướng Hóa đã đầu tư 13,4 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường kết nối Ta Ru với thôn Pả Xỉa. Tuyến đường dài 3,6km, kết cấu mặt đường bê tông, mương thoát nước 2 bên để chống sạt, trượt. Đến thời điểm này, tuyến đường đã cơ bản hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Giờ đây Ra Ty đã khác xưa, đường bê tông đã băng băng đưa thương lái về tận thôn mua nông sản, đời sống đồng bào cũng theo đó tăng lên. Số hộ nghèo ở Ra Ty đã giảm sâu, thay vào đó là hộ khá, hộ giàu ngày một nhiều lên.
Có thể nói, nguồn lực từ các chương trình dự án chính sách dân tộc; đặc biệt gần 4 năm qua thực hiện Chương trình MTQG 1719, đã tạo điều kiện lớn để giao thông nông thôn miền núi Quảng Trị được đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa có đường ôtô tới trung tâm xã, được bê tông hoá và rải nhựa. Bên cạnh đó, phần lớn thôn, bản có đường dân sinh kết nối với các trục chính.
Hệ thống giao thông được đầu tư xây mới, cải tạo từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy vùng DTTS và miền núi Quảng Trị phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đặc biệt là thuận lợi cho người dân mở rộng sản xuất, giao thương hàng hóa tăng thu nhập; có đường thuận lợi các em học sinh đến trường chuyên cần góp phần phát triển sự nghiệp “trồng người”; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Trị.