Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những lớp học U50

Giang Lam - 10:31, 19/02/2021

Mùa Xuân này, chị em phụ nữ ở các bản Thác Đất, Ngòi Tèo, Kim Long… xã Minh Dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có một niềm vui mới. Đó là các chị vừa hoàn thành xong lớp xóa mù chữ. Các chị biết đọc, biết viết thành thạo. Có chị tự lên xã làm giấy tờ. Có chị còn biết dạy các con học bài nữa.

Những lớp học U50

Khổ nhất là không biết cái chữ

Đi chợ ngày giáp Tết, bà Lý Thị Hoàn từ thôn Nước Mỏ bán 10 quả trứng gà, giá mỗi quả 4.000 đồng. Bà Hoàn đếm vanh vách 2 quả là 8.000 đồng, 3 quả là 12.000 đồng... biết làm phép tính rồi không sợ sai nữa. 

“Nhờ được đi học cái chữ ở lớp đấy. Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ, tổ chức được 3 tháng rồi. Tối nay lớp tổng kết, gặp mặt đấy. Đi cùng bà nhé!”, bà Hoàn háo hức khoe.

Tối ấy, sau khi cơm nước xong xuôi, tôi theo chân các bà, các chị đến tham gia lớp học đặc biệt này. Tôi càng cảm phục hơn cái khát khao con chữ, khát khao cuộc sống mới của người nông dân miền sơn cước nơi đây. Ở tuổi 40, 50, các chị Lý Thị Ngoan, Trần Thị Nhính, Đặng Thị Hương mới bắt đầu làm quen cây bút. Các chị thường đùa vui với nhau rằng: “Cầm con dao, cái cuốc to thế mà không thấy nặng bằng cầm cái bút bé này đâu nhá. Tay cứng quá nên viết mãi, luyện mãi nó mới theo ý mình được...”.

Ở lớp học này, bà Hoàn là học sinh cao tuổi nhất lớp. Năm nay, bà tròn 60 tuổi. Là Người có uy tín nên bà được bầu làm lớp trưởng. Nói về khó khăn khi không biết chữ, bà Hoàn tâm sự rằng, ngẫm ở đời, không biết cái gì cũng khổ, mà khổ nhất là không biết chữ. Mỗi khi đi chợ, có chị còn phải rủ cả chồng, con theo để tính tiền, nhìn mặt cân nữa. Rồi lên xã làm giấy tờ, thủ tục cán bộ mất nhiều thì giờ giải thích mãi bà con mới chịu điểm chỉ... 

Dân bản mình khổ quá rồi, phải học cái chữ ngay thôi! Thế nên mặc dù tuổi đã cao nhưng các bà, các chị vẫn quyết tâm đi học.

Vượt qua những gian nan

Để thành lập được lớp học và “gieo” cho các bà, các chị niềm khát khao con chữ, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền xã. Nói về việc vận động hội viên đi học, chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã bày tỏ, đó là một hành trình dài và rất khó khăn. Mới đầu có chị bảo phải lên nương trồng ngô, trồng khoai thì mới có cái ăn. Chứ cái chữ làm sao giúp con mình no bụng. Có chị thích đi học lắm nhưng chồng cấm đi học...

Vậy là đôi chân cán bộ phụ nữ, cán bộ đoàn, giáo viên lại cần mẫn trên các lối mòn đến từng nhà vận động, nói những điều hay từ việc học chữ. Cán bộ kiên trì vận động và cũng phải mất 1 năm sau lớp học mới mở được.

Toàn xã có 3 lớp học với 80 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao ở các thôn Nước Mỏ, Thác Vàng, Kim Long, Thác Đất, Làng Vai, Ngòi Tèo. Học viên cao tuổi nhất 60 tuổi, ít tuổi nhất cũng đã ngoài 40.

Giáo viên đứng lớp chính là cô giáo, thầy giáo Trường Tiểu học Minh Dân. Cô Nguyễn Thị Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Dân chia sẻ, Nhà trường phân mỗi lớp có 7 giáo viên thay nhau đứng lớp. Vậy là tổng cộng có 21 giáo viên cùng tham gia giảng dạy trong đợt này. Thù lao không có, nhưng ai nấy đều nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ để bà con đến gần hơn với con chữ.

Một giờ học đánh vần của lớp học xóa mù chữ xã Minh Dân (Hàm Yên).
Một giờ học đánh vần của lớp học xóa mù chữ xã Minh Dân (Hàm Yên).

Khát khao con chữ

Tại lớp học ở Kim Long do cô giáo Lương Thị Khang phụ trách, có 26 học sinh, trong đó có 10 học sinh nam xin học “ké”. Anh Tướng Văn Lược giải thích: “Phải học để biết cái chữ thôi. Vợ nó biết rồi, mình kém vợ thì xấu hổ lắm!”.

Đa số học sinh tuổi cao, mắt kém, không thể đọc chữ trong sách giáo khoa, thế là họ nhờ con đèo lên tận chợ huyện cắt cặp kính lão để chép bài. Đeo chiếc kính tròn xoe, bà Lý Thị Viên bẽn lẽn: “Mỗi lần đèo cháu đến trường mà mình thèm cái chữ lắm! Cứ ước được trẻ lại để được vào lớp, thế mà giờ mình lại được học, biết đọc, biết viết rồi”.

Còn chị Đặng Thị Mùi, thôn Làng Vài cứ nhớ mãi câu chuyện lần chị đi thăm nhà cô con gái lấy chồng tận Hòa Bình. Vì không biết đọc mà lên nhầm xe, bị phụ xe quát: “Lần sau nhìn đúng xe hãy lên”. Về nhà các con chị quyết tâm dạy mẹ học. Nhưng học xong đọc vẫn kém lắm, nên nhiều lần ra đường, nhìn thấy cái xe chạy từ xa đến, đánh vần xong hàng chữ biển xe thì xe chạy qua mất rồi. 

Vậy là chị quyết tâm tham gia lớp xóa mù chữ. Ở đây, có cô trò, bạn bè, không khí thi đua học tập sôi nổi lắm. Chị thật thà: “Mình vốn hay nói trước quên sau nên phải nghe nhiều lần, viết nhiều, đọc nhiều mới nhớ được. Dù bận rộn đến mấy cũng phải sắp xếp để đi học không là quên mặt chữ ngay”.

Chính tinh thần ham học này là động lực cho thầy, cô giáo say mê với nghề. Cô giáo Nông Thị Hiệu có con nhỏ hơn 1 tuổi. Ban đêm chồng phải trông con, cô đi xe máy 5km, có đoạn phải lội suối để đến lớp.

Có cô giáo nhà xa phải ở lại nhà người quen gần trường để kịp giờ vào lớp. Có trường hợp vì cô giáo sợ đi đường núi đêm tối mà chồng phải đưa đón đến lớp.

Cô giáo Lương Thị Khang bày tỏ, vất vả của giáo viên không là gì so với vất vả, thiếu thốn của việc các bà, các mẹ không biết chữ. Thế nên thấy các bà, các mẹ chăm chỉ, học tập tiến bộ là giáo viên lại càng cố gắng dạy học.

Sau thời gian học 3 tháng, tất cả học sinh đều vượt qua được kỳ thi “tốt nghiệp” bằng 1 bài kiểm tra. Chị Bàn Thị Vương, ở thôn Thác Đất chia sẻ, giờ thì chị có thể tự đi chợ mua bán được rồi. Hai vợ chồng còn đọc báo cho nhau nghe... Còn anh Triệu Văn Thành lại khoe: “Từ ngày biết chữ, tôi đọc hết cả một cuốn sách dài mấy chục trang hướng dẫn chăn nuôi. Nhiều kiến thức quý lắm!”.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.