Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những lớp học đặc biệt ở miền biên viễn

Minh Thanh - 14:23, 13/05/2022

Con đường độc đạo dài gần 20km đầy ổ voi, lởm chởm đất đá, chạy ngoằn ngoèo giữa những cánh rừng đưa chúng tôi từ trung tâm xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tới bản Phú Lâm. Bản người Lào nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng già và những dãy núi cao như muốn ngăn cách với thế giới bên ngoài.

Đường vào bản Phú Lâm gập ghềnh sỏi đá và những ổ voi
Đường vào bản Phú Lâm gập ghềnh sỏi đá và những ổ voi

26 năm vượt rừng “gieo chữ”

Trên đường vào bản Phú Lâm, anh bạn đi cùng ghì chặt tay lái, còn tôi thì phải quặp lấy yên xe cho khỏi ngã. Gần 1 giờ hết vượt dốc, rồi tránh ổ voi, có lúc rợn người khi bánh xe chênh vênh một bên vực, chúng tôi cũng đặt chân đến bản Phú Lâm. Đây là bản có điểm trường xa xôi nhất, cách trở nhất trên miền biên viễn huyện Hương Khê.

Điểm trường tiểu học Phú Gia tại bản Phú Lâm có 2 cô giáo đã 26 năm “cắm bản”, phụ trách các lớp học ghép, học sinh chủ yếu là người dân tộc Lào.

Toàn cảnh điểm trường Phú Lâm nhìn từ trên cao
Toàn cảnh điểm trường Phú Lâm nhìn từ trên cao

Hàng chục năm giảng dạy, gắn bó ở Phú Lâm, dường như với cô Bùi Thị Hồng Hoài (sinh năm 1967) quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), thì nơi đây đã trở thành một phần đong đầy bao kỉ niệm. Thời gian thấm thoắt qua nhanh, nhưng kí ức về những ngày đầu cắm bản vẫn vẹn nguyên, rõ mồn một.

Cô Hoài mở lời: Hồi trước, chúng tôi phải lội bộ qua 5 con suối mới đến được lớp. Tôi cũng chẳng nhớ mình đã ngã bao nhiêu lần. Còn lớp học, được đặt nhờ ở nhà dân.

Nhưng, khó khăn về cơ sở vật chất dạy học, về quãng đường rừng hàng chục km hiểm trở… chưa là gì. Mà với cô, khó khăn lớn nhất chính là thay đổi tư duy về việc học, để không còn cảnh ngày ngày phải đến từng nhà vận động trò đến lớp.

“Cậu có biết niềm vui lớn nhất của chúng tôi ở điểm trường lẻ này là gì không. Đó là duy trì sĩ số học sinh đầy đủ”, cô Hoài bộc bạch. Tôi chợt nghĩ rằng, đó là cách để níu cô với quãng đường rừng hàng chục km mỗi ngày, níu cô với điểm trường xa xôi bậc nhất tỉnh Hà Tĩnh.

Các cô giáo ngày ngày cần mẫn “gieo chữ”
Các cô giáo ngày ngày cần mẫn “gieo chữ”

Cùng cảnh như cô Hoài, là cô Hoàng Thị Nguyệt (sinh năm 1968) cũng đã thành giáo viên “cắm bản” ở Phú Lâm những 26 năm. Cô Nguyệt quê ở huyện miền núi Hương Khê. Thế nên, khi nhận công tác ở vùng khó, đã cho rằng, sẽ chẳng có gì phải bận tâm. Nhưng, khi hình dung lại quãng thời gian suốt 26 năm đi về ngày 2 bận trên cung đường 20km, qua suối, qua dốc…, “lắm lúc mình cũng phân vân lắm bởi đường xa, điều kiện dạy học thiếu thốn lại là phụ nữ…”, cô Nguyệt trải lòng.

Ở vùng khó, gần gũi với những đứa trẻ miền sơn cước còn nhiều thiếu thốn, nhưng khát chữ, ham học, các cô đã chẳng nỡ từ bỏ công việc mà mình đang phụ trách. Tâm sự với chúng tôi, những giáo viên cắm bản ở Phú Lâm đã tự nhận mình là người con của bản. Để rồi, những ánh mắt trong veo, hồn nhiên và cả những nét chữ, giọng đọc ngọng nghịu của trò đã “níu” các cô trụ lại lâu với mảnh đất này.

Học sinh dân tộc Lào ở bản Phú Lâm đến trường
Học sinh dân tộc Lào ở bản Phú Lâm đến trường

Lớp học đặc biệt

Điểm trường tiểu học Phú Gia ở bản Phú Lâm, hiện có 34 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, trong đó có 23 học sinh dân tộc Lào. Để đảm bảo việc học cho các em, nhà trường đã tổ chức 2 lớp ghép, lớp 1-3 và lớp 2-4, giao cho 2 cô cắm bản phụ trách.

Chứng kiến một giờ học của lớp ghép, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các cô. 2 chiếc bảng đen được đặt ở 2 đầu lớp học, học sinh ngồi quay lưng lại với nhau. Một mình cô tất bật như con thoi, hết hướng dẫn bài cho học sinh lớp lớn, lại quay sang hướng dẫn học sinh lớp nhỏ tập đọc, đánh vần…

Để chuẩn bị giờ dạy, các cô phải soạn 2 chương trình giáo án, mỗi giờ học bố trí linh hoạt chéo môn. Lớp này học Toán thì lớp khác học Tiếng Việt… để không ảnh hưởng đến chất lượng.

Những lớp học “đặc biệt” ở điểm trường Phú Lâm
Những lớp học “đặc biệt” ở điểm trường Phú Lâm

Cô Hoàng Thị Nguyệt, Chủ nhiệm lớp 1-3 điểm trường ở bản Phú Lâm, tâm sự: Việc giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới rất khó khăn. Chúng tôi đã phải linh hoạt khi giảng bài và tìm thêm nhiều tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học để minh họa; đồng thời dành thêm thời gian củng cố kiến thức cho các em.

Mấy năm gần đây, điểm trường ở bản Phú Lâm còn tăng cường các môn Tiếng Anh, nhạc, họa, hướng dẫn các em sinh hoạt đội, ca múa hát sân trường và các kỹ năng sống cơ bản… Vì thế, những buổi học đã trở nên phong phú hơn, rộn rã hơn giữa đại ngàn.

Nay, điểm trường ở bản Phú Lâm đã “trường ra trường, lớp ra lớp”. Không còn cảnh học sinh phải mượn tạm nhà dân, hay học trong những căn phòng tranh nứa tạm bợ. Đây là kết quả từ sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ, đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa, nâng cấp khuôn viên điểm trường Phú Lâm từ năm 2019.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Gia cứ nhắc mãi: từ khi điểm trường được xây dựng khang trang, kiên cố, chúng tôi yên tâm hơn. Học sinh học vừa đảm bảo an toàn mùa mưa bão, vừa đỡ thiệt thòi hơn so với chúng bạn.

Rời bản Phú Lâm khi trời đã đứng bóng, dẫu bánh xe vẫn gập ghềnh những 20km, đất đá và dốc núi nhưng tôi lại chộn rộn một niềm vui khôn tả.  Bởi, thông tin mà thầy Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê “khoe”: Ở điểm trưởng Phú Lâm, sự tận tâm, yêu nghề của các giáo viên cắm bản đã thắp sáng sự học cho trẻ vùng biên để Trường Tiểu học Phú Gia, từ một ngôi trường khó khăn từng bước vươn lên vị trí dẫn đầu bậc tiểu học trên toàn huyện.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.