Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những làng nghề nhộn nhịp vào dịp Tết Trung thu

Nguyệt Anh - 08:20, 27/08/2024

Cứ mỗi độ cận kề đến Tết Trung thu, các làng nghề làm đồ chơi trung thu dân gian, làng nghề nặn tò he lại tất bật, rộn ràng. Bên cạnh sản phẩm truyền thống, các nghệ nhân làng nghề đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường để phục vụ Tết Trung thu cho các bạn nhỏ.

Một số mẫu mặt nạ giấy bồi của làng nghề Ông Hảo phục vụ Tết Trung Thu năm nay.
Một số mẫu mặt nạ giấy bồi của làng nghề Ông Hảo phục vụ Tết Trung thu năm nay. Ảnh: TL

Làng nghề làm đồ Trung thu truyền thống ở Hưng Yên

Mỗi năm, vào dịp cận kề Tết Trung thu là làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống - làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lại nhộn nhịp. Dù hiện nay, trong làng chỉ còn khoảng 6 -7 hộ gia đình làm nghề, nhưng số lượng sản phẩm đồ chơi Trung thu được sản xuất ra cũng đủ cung ứng khắp các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình... và một số tỉnh thành phía Nam như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Tại làng Ông Hảo hiện có gia đình ông Vũ Huy Đông sản xuất đồ chơi Trung thu với số lượng lớn nhất. Cơ sở Đông Hạnh của gia đình ông chủ yếu sản xuất mặt nạ giấy bồi với các hình thỏ, mèo, trâu, chó, hổ, ông Địa, Thị Nở, mặt nạ đầu lân, đầu sư tử để phục vụ trong dịp lễ Tết Trung thu.... Hơn 60 năm qua, gia đình ông đã trở thành địa chỉ để nhiều bạn trẻ cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Ông Vũ Huy Đông thực hiện công đoạn vẽ mặt nạ
Ông Vũ Huy Đông thực hiện công đoạn vẽ mặt nạ. Ảnh TL

Ông Đông cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là một công việc không quá khó và phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi người thợ phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu sản xuất. Với mặt nạ, ban đầu người thợ sẽ dùng khuôn đúc từ xi măng để bồi giấy với hồ, giấy làm mặt nạ phần lớn đã qua sử dụng như sách vở học sinh, giấy thiết kế cũ... Khâu cuối là tô màu, vẽ nét cho mặt nạ quan trọng nhất khi tạo nên linh hồn cho sản phẩm.

Trải qua nhiều năm thăng trầm, thị hiếu khách hàng thay đổi, mặt nạ giấy bồi cũng như nhiều nghề truyền thống khác cũng phải thay đổi dần. Hiện nay, ông Đông đã sáng tạo 20 mẫu mặt nạ gồm 12 con giáp và các nhân vật dân gian... Giá mỗi chiếc mặt nạ từ khoảng 20.000 đến 150.000 đồng tùy loại. Ngoài mặt nạ giấy bồi, gia đình ông Đông và người dân làng nghề Ông Hảo còn sản xuất ra các loại trống mặt da kích cỡ từ nhỏ tới lớn, phù hợp để cầm tay chơi, trang trí hoặc cả biểu diễn hội hè...

Người dân làng nghề Ông Hảo làm đồ chơi Trung thu dân gian
Người dân làng nghề Ông Hảo làm đồ chơi Trung thu dân gian. Ảnh TL

Bình quân mỗi mùa Trung Thu, gia đình ông Đông đã bán được hơn 10.000 sản phẩm đồ chơi Trung Thu dân gian. Hàng xuất chủ yếu trong nước, những tỉnh đặt nhiều là Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng… Ngoài ra, để quảng bá đồ chơi Trung thu truyền thống, gia đình ông cũng đã kết nối với các tổ chức văn hoá, công ty lữ hành biến cơ sở sản xuất đồ chơi của mình trở thành địa điểm đón khách du lịch về tham quan, trải nghiệm.

Những năm trở lại đây, nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện như mặt nạ giấy bồi, trống, đèn ông sao… cho trẻ nhỏ. Đây là động lực để những nghệ nhân làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống như ông Đông có thêm quyết tâm để tiếp tục giữ lửa nghề, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.

Làng tò he Xuân La ở Hà Nội

Nói đến nghề nặn tò he, hầu như mọi người đều biết đến làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Không chỉ là một nghề mưu sinh, nặn tò he ở làng Xuân La từ lâu đã trở thành một nét văn hóa dân gian hiếm có của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Nghệ nhân thổi hồn cho tò he
Nghệ nhân thổi hồn cho tò he. Ảnh TL

Tò he vốn là một loại đồ chơi dân gian làm bằng bột gạo nếp pha lẫn với đường, có thể ăn được. Ngày trước, tò he còn được gọi là bánh chim cò, bởi sản phẩm nặn của người dân làng tò he Xuân La lúc ấy chỉ có hình chim và cò được mang đến các hội làng. Rồi sau đó, các nghệ nhân đã sáng tạo gắn thêm cho mỗi chiếc bánh một chiếc còi, khi thổi phát ra tiếng "tò te tí te", nên sản phẩm được gọi chệch đi là "tò he".

Ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Những người thợ tài hoa giờ đây không chỉ nặn những con vật truyền thống chim, cò mà còn làm ra những món đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh, khiến trẻ em và cả người lớn ngỡ ngàng, thích thú. Nghề nặn tò he là một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Công đoạn nặn tò he quan trọng là kỹ thuật luộc bột, làm bột phải ước lượng theo thời tiết. Mùa đông thì phải làm bột dẻo hơn mùa hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo, nếp cái hoa vàng thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn.

Sản phẩm tò he của làng nghề Xuân La
Sản phẩm tò he của làng nghề Xuân La

Ngày nay, các nghệ nhân Xuân La đã cập nhật sở thích, thị hiếu của các khách hàng trẻ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Rất nhiều những hình tò he lạ mắt, phong phú như những nhân vật trong truyện cổ tích, truyện tranh được nặn ra như: Aladin, Người nhện, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,...

Nếu có dịp lên phố đi bộ Hồ Gươm vào dịp cuối tuần, các em nhỏ và du khách sẽ thấy một gian hàng tò he. Những nghệ nhân đó đều là người ở làng Xuân La. Chỉ cần bỏ ra số tiền 20.000-25.000 đồng, các em thiếu nhi sẽ được trải nghiệm tự tay nặn ra chiếc tò he. Những người nghệ nhân sẽ đưa những khay bột với đủ màu sắc: Trắng, đen, xanh, đỏ, tím, vàng… Trong quá trình làm, các nghệ nhân cũng hướng dẫn cho trẻ nhỏ và du khách các bước cơ bản, từ việc cho tay vào sáp ong để tránh bị dính, cho đến cách uốn, nắn bột để tạo hình cho tò he.

Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ nhân tò he Xuân La cho biết: "Không chỉ bán các sản phẩm nặn sẵn mà còn tạo điều kiện cho trẻ em và du khách được trải nghiệm tự tay nặn tò he theo ý thích. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ gìn mà còn quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian, đưa tò hè trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo".

Tò he là món quà tuổi thơ của các bạn nhỏ
Tò he là món quà tuổi thơ của các bạn nhỏ

Những năm gần đây, với sự mở rộng thị trường sang các nước bạn như Mỹ, Nhật, Anh, Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nghệ nhân và các thợ nặn có tay nghề cao của làng tò he Xuân La còn được mời sang nước ngoài để biểu diễn. Họ được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian đi lưu diễn và có thu nhập rất cao sau mỗi chuyến đi.

Đến nay, những người con của Xuân La vẫn đang tiếp tục tỏa đi khắp các nẻo đường đất nước, vẫn miệt mài bên những khối bột đủ màu sắc. Để rồi mỗi dịp Tết Trung thu về, trong các lễ hội truyền thống, hình ảnh những đứa trẻ đang tung tăng với con tò he đầy màu sắc trở thành nét chấm phá độc đáo, dễ thương. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.