Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Những khu cách ly dã chiến ở miền núi Nghệ An

Nguyễn Thanh - 19:10, 09/09/2021

Nhiều huyện miền núi ở Nghệ An đã sử dụng vật liệu sẵn có là tre, nứa, mét để làm nhà dã chiến phục vụ cách ly cho công dân từ xa về. Với cách làm linh hoạt này, không chỉ giảm sự quá tải cho các khu cách ly hiện có, mà còn là giải pháp để các địa phương trả lại trường lớp - vốn đã được trưng dụng làm nơi cách ly trước đó, cho các trường thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

San nền, dựng nhà làm nơi cách ly cho những người trở về từ vùng dịch
San nền, dựng nhà làm nơi cách ly cho những người trở về từ vùng dịch

Trong thời gian qua, huyện Con Cuông có hàng ngàn công dân từ các tỉnh trở về quê, được cách ly tại điểm cách ly tập trung ở xã, trong các trường học.

 Bước vào năm học mới, huyện đã chỉ đạo các cơ sở phải khẩn trương trả lại mặt bằng trường lớp học, để các trường thực hiện nhiệm vụ. Để có chỗ ở mới cho công dân đang chấp hành việc cách ly tập trung, các xã đã huy động nhiều lực lượng, sử dựng các nguyên liệu sẵn có như tre, nứa, mét, lá cọ… để dựng những khu nhà cách ly dã chiến.

Theo bí thư Huyện đoàn Con Cuông Lữ Thị Băng Châu, các xã, thị trấn huy động lực lượng thanh niên, phối hợp với các đoàn thể của các xã vào rừng chặt tre, nứa về giúp dựng nhà làm nơi cách ly cho những người trở về từ vùng dịch.

 Những căn nhà dã chiến này đã được dựng lên ở các xã Lạng Khê, Yên Khê, Đôn Phục, Lục Dạ, Bình Chuẩn… bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh cho người dân khi cách ly tại đây. Mỗi khu vực cách ly dã chiến đều có hệ thống nước sinh hoạt bảo đảm, khu vệ sinh phù hợp, có lực lượng chốt chặn, kiểm soát bên ngoài.

Ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Xây dựng nhà dã chiến làm nơi cách ly tập trung là giải pháp phù hợp trong thời điểm này. Tuy nhiên, huyện cũng yêu cầu, trong quá trình dựng nhà, phải tìm địa điểm phù hợp, chú ý việc xây dựng phải bảo đảm chắc chắn ngay cả khi diễn biến thời tiết xấu, mưa lũ xảy ra. 

“Từ đầu đợt dịch đến nay, có gần 3.200 công dân trở về địa phương tránh dịch. Hiện tại trên địa bàn có gần 300 người đang phải cách ly, tập trung. Việc các địa phương xây dựng các nhà dã chiến trong thời điểm này rất thiết thực”, ông Việt cho hay.

Tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, rất nhiều công dân đang cách ly tập trung tại các trường, lớp học, cũng đã di tản ra các khu nhà cách ly dã chiến để trả lại cơ sở vật chất cho nhà trường.

Trong điều kiện khó khăn, những căn nhà dã chiến được dựng lên để bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh cho người thuộc diện cách ly tập trung rất thiết thực
Trong điều kiện khó khăn, những căn nhà dã chiến được dựng lên để bảo đảm các quy định phòng chống dịch bệnh cho người thuộc diện cách ly tập trung rất thiết thực

Tại xã Bắc Lý, một xã rất khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) nhưng những ngày qua, địa phương cũng đã khắc phục khó khăn, huy động tất cả nhân lực từ các tổ chức, người dân tham gia xây dựng nhà cách ly dã chiến. Theo lãnh đạo xã Bắc Lý, thời gian qua, địa phương có khoảng hơn 800 người đi làm ăn xa (chủ yếu ở các tỉnh phía Nam), phần lớn người dân chưa về quê được do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Năm học mới đã đến, phải trả lại trường lớp nên xây dựng nhà cách ly dã chiến là lựa chọn duy nhất. Chúng tôi đã xây dựng 13 nhà cách ly dã chiến phục vụ cách ly trước mắt, và chuẩn bị đón những công dân từ xa về trong thời gian tới", ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý huyện Kỳ Sơn chia sẻ.

Qua quan sát, các nhà tre nứa dã chiến này, có khoảng cách hơn 2m, mỗi nhà có thể ở được 4 - 5 người, xa khu dân cư, có tổ công tác kiểm soát bên ngoài và bảo đảm công tác phòng chống dịch theo quy định.

Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn trao đổi: Toàn huyện hiện có 263 công dân đang phải cách ly tập trung. Để trả lại cơ sở vật chất cho các trường học khi năm học mới đã bắt đầu, các xã như Bắc Lý, Bảo Thắng… đã dựng các nhà tre, lá để phục vụ cho việc cách ly người dân phòng dịch, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Đây là giải pháp phù hợp với địa bàn miền núi có sẵn nguyên liệu tre, nứa, mét, lá cọ…

Tìm hiểu thêm, chúng tôi còn được biết một số địa phương khác ở Nghệ An như Thanh Chương, Tương Dương… cũng đã chủ động bỏ kinh phí, phối hợp với các đoàn thể, người dân làm các nhà tre, nứa dã chiến để phục vụ công dân cách ly, bảo đảm các quy định về phòng dịch bệnh với chiến lược lâu dài...

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.