Khu cách ly “bất đắc dĩ”
Diễn Châu là một trong nhiều huyện tại Nghệ An, có số lượng công dân hồi hương tương đối nhiều. Trong những ngày qua, huyện này đã có khoảng gần 2.500 công dân từ các khu vực phía Nam, phía Bắc trở về quê. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, UBND huyện Diễn Châu đã trưng dụng nhiều trường học thành điểm cách ly tập trung.
Ông Tăng Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) thông tin: Tất cả các xã đều sử dụng trường lớp học làm khu vực cách ly. Nhiều xã như Diễn Quảng, Diễn Đoài, Diễn Phú, Diễn Nguyên,... đã quá tải về số lượng người cách ly.
Nhiều điểm cách ly tại một số địa phương khác ở tỉnh Nghệ An, cũng đang “quá tải” vì tiếp nhận một lượng lớn lao động hồi cư. Ngoài số công dân trở về tự phát, thì số công dân hồi hương có đăng kí là hơn 17.000 người.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh đang có gần 500 trường học tại các địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Diễn Châu, Thanh Chương, Quế Phong... được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Trong đó, bậc mầm non có gần 300 trường, tiểu học là hơn 110 trường, THCS hơn 60 trường và một khu cách ly tập trung được đặt tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu.
Câu chuyện ở Nghệ An cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương miền Trung hiện nay. Hàng nghìn công dân từ các khu vực phía Nam, phía Bắc hồi hương đã đẩy áp lực lên vai các cấp chính quyền sở tại về việc đảm bảo nơi ăn ở, an toàn trong khu vực cách ly, được trưng dụng từ hàng trăm phòng học của các bậc học trên địa bàn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nói: Những ngày qua đã có hàng ngàn công dân về quê tránh dịch. Để thực hiện cách ly những người này, địa phương đã phải trưng dụng tất cả phòng học của bậc mầm non, trạm y tế để làm khu cách ly tập trung. Cá biệt có những xã như Tùng Lộc thì cả 3 trường của 3 bậc học đều phải làm cơ sở cách ly có hơn 500 người.
Thực tế cho thấy, ngoài việc sử dụng các phòng học làm khu cách ly tập trung, địa phương cũng đã mượn tạm khu bán trú, nhà chức năng để làm chỗ làm việc của các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; làm khu vực nấu ăn phục vụ cho công dân đang cách ly cũng như các lực lượng tham gia chống dịch. Vì vậy, hệ thống cơ sở vật chất các trường bao gồm phòng học, phòng chức năng gần như được trưng dụng hết.
Việc đặt các khu cách ly tập trung trong các trường học, là giải pháp “bất đắc dĩ”, bởi các địa phương đều gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để bố trí các khu cách ly dã chiến. Do số lượng người phải cách ly đông, nên công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo nơi ăn ở, sinh hoạt cho công dân trong khu vực cách ly là điều không hề đơn giản đối với nhiều địa phương; đòi hỏi phải có thêm nhiều lực lượng cùng chung tay, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Lo “vỡ kế hoạch”
Ngày 4/8, Bộ GD&ĐT đã có quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Theo đó, thời gian tựu trường của học sinh trên cả nước sớm nhất vào ngày 1/9/2021; riêng lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021; tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9/2021; kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022; hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.
Lâu nay, việc đặt các khu cách ly tập trung tại các trường học, là một giải pháp thuận lợi cho các địa phương, bởi vừa có nhiều phòng cho đối tượng cách ly, vừa có các điều kiện phụ trợ khác như: nơi ăn, ngủ, tổ chức nấu ăn và vệ sinh,...
Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số khó khăn cho các nhà trường; đặc biệt là khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa học sinh sẽ tựu trường.
Riêng huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, đã có gần 2.900 công dân trở về quê, thực hiện cách ly tại 47 khu cách ly tập trung là các trường mầm non, trường nội trú, bán trú trên địa bàn.
Theo ông Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, hiện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 71 trường học thì có 47 trường đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Trong đó, trường đang thực hiện cách ly đông nhất là gần 200 công dân, trường ít nhất là 9 người. Theo đúng kế hoạch của Bộ, ngành Giáo dục huyện sẽ tổ chức cho học sinh tựu trường vào ngày 23/8. Riêng các trường, điểm, trường ở vùng sâu, vùng xa, học sinh có thể tựu trường sớm hơn.
"Đó là thực tế đáng băn khoăn, chúng tôi cũng lo không có đủ cơ sở vật chất do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ dẫn đến việc vỡ kế hoạch năm học”, ông Thiết bày tỏ.
Năm học mới đang đến gần, nhưng tại nhiều khu vực cách ly vẫn đang có nhiều người chưa hết thời hạn cách ly theo quy định, đang là thực tế đầy khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức khử khuẩn, vệ sinh trường lớp chuẩn bị cho năm học mới.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) trao đổi: Chúng tôi sẽ trả trường lớp trước 20/8 để các trường chuẩn bị năm học mới. Nếu còn trường hợp nào chưa hết thời gian cách ly, thì sẽ bố trí đến các nhà sinh hoạt cộng đồng, có tính đến khách sạn, hoặc những nhà dân đảm bảo đủ điều kiện. Huyện cũng ưu tiên cho bậc học phổ thông và tiểu học phải có cơ sở vật chất trường lớp trước 20/8, riêng bậc mầm non do đặc thù dạy học nên có thể muộn hơn, nhưng cũng phải trước 23-25/8.
Nhiều địa phương cũng cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, cũng như công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, huyện đã lên kế hoạch, trưng dụng các nhà văn hóa, nhà cộng đồng, các điểm trường lẻ và các trụ sở cơ quan không còn sử dụng để làm khu cách ly tập trung. Sớm trả lại cơ sở vật chất cho các nhà trường để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chuẩn bị đón học sinh tựu trường.
(Nội dung tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)