Ngày 1/6/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (PC02) Công an TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố các bị can: Nguyễn Ngọc Mỹ (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tội "cướp tài sản"; Nguyễn Thị Bích Tuyền (23 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) và Lâm Phúc Lợi (24 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) tội "cướp tài sản và lưu hành tiền giả"; Đặng Hoàng Văn (27 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) tội "lưu hành tiền giả".
Trước đó, giữa tháng 9/2023, Mỹ, Lợi, Tuyền lên mạng vào nhóm “Hội những người vỡ nợ” rồi làm quen nhau. Sau một số lần đi chơi chung, thiếu tiền, Mỹ có ý định đi cướp. Để thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi đã đặt mua trên mạng xã hội 2 khẩu súng tự chế; tiếp đó, đặt mua xe máy và tự sơn lại thành màu đen dùng làm phương tiện gây án…
Việc thiếu chế tài giám sát, quản lý trong thời gian qua dẫn tới việc tự do thành lập, tham gia các hội nhóm kín chính là kẽ hở trong công tác quản lý mạng xã hội của các cơ quan chức năng trong việc kịp thời ngăn chặn những tác động tiêu cực để tạo môi trường mạng xã hội an toàn...
Sáng 24/10/2023, cả 3 đối tượng di chuyển đến Phòng giao dịch Nhị Xuân, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (nằm trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) sử dụng súng uy hiếp, khống chế nhân viên bảo vệ, nhân viên và khách hàng của ngân hàng sau đó cướp đi 3,8 tỷ đồng.
Tương tự, trong vụ cướp ngân hàng BIDV ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, đâm chết nhân viên bảo vệ xảy ra ngày 22/11/2023, các đối tượng gây án là Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) và Trần Văn Trí (22 tuổi, quê Đà Nẵng) khai đều không có việc làm, đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá… nợ tiền nhiều người. Dù chưa từng quen biết nhưng cùng tham gia nhóm liên quan đến việc "xù nợ, làm liều" trên mạng xã hội nên 2 đối tượng đã rủ nhau đi cướp ngân hàng.
Hay như vào tháng 3/2022, trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng xảy ra vụ cướp ngân hàng. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền. Hai đối tượng này quen nhau trong hội “Những người vỡ nợ muốn làm liều” trên MXH Facebook và rủ nhau đi cướp ngân hàng để trả nợ….
Có thể thấy, các hội nhóm như “vỡ nợ, làm liều”; "xù nợ, làm liều" ; “vỡ nợ thích làm liều” hay “Những người vỡ nợ muốn làm liều”… trên mạng xã hội đã và đang là những điểm hẹn lý tưởng của các đối tượng vô công rồi nghề, các đối tượng xấu tụ họp, lên ý tưởng để thực hiện những vụ việc trộm cướp manh động, liều lĩnh gây mất an ninh trật tự xã hội.
Điều đáng nói, việc thiếu chế tài giám sát, quản lý trong thời gian qua dẫn tới việc tự do thành lập, tham gia các hội nhóm này chính là nguyên nhân dẫn đến các hội nhóm trở thành nơi tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội. Do đó, rõ ràng cần phải có những biện pháp mang tính toàn diện hơn để kiểm soát hoạt động của các nhóm kín trên mạng xã hội, hạn chế tối đa những hệ lụy từ những hội nhóm tiêu cực này.
Nói các khác, đây chính là kẽ hở trong công tác quản lý mạng xã hội của các cơ quan chức trong việc kịp thời ngăn chặn những tác động tiêu cực để tạo môi trường mạng xã hội an toàn cho mọi người.