Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh được đầu tư bài bản, 100% xã miền núi đều đã có đường ô tô đến nơi, 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, tình hình sản xuất và đời sống của người dân cơ bản ổn định, đời sống văn hóa nâng lên từng ngày.
Tính đến đầu tháng 8/2023, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận có diện tích cây trồng ước gần 50.000 ha, trong đó diện tích cây trồng hàng năm trên 39.000 ha, bao gồm cây lúa 25.600 ha, bắp lai trên 6.500 ha, các loại cây trồng khác trên 6.700 ha. Có trên 11.000 ha cây lâu năm, có giá trị kinh tế thị trường được đồng bào DTTS bố trí hợp lý theo từng vùng đất, khí hậu như cây nho ở xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong), bưởi da xanh, cao su, điều, mít, dừa, sầu riêng… đều có ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh.
Cụ thể là bà con nông dân đã áp dụng trồng cây bắp lai ở vùng ven sông La Ngà từ Tánh Linh lên Đức Linh, năng suất luôn đạt cao 60 tạ/ha, có nơi hộ đồng bào còn làm đạt từ 78 – 80 tạ/ha. Bên cạnh đó, các vùng trồng lúa chất lượng cao ở vùng Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, được bà con làm ra đạt chất lượng tốt, bán theo giá thị trường... Với cây thanh long, nhiều hộ DTTS ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) vượt qua nghèo khó vươn lên thành hộ khá.
Theo thống kê đến đầu năm 2023, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 2.801 hộ, chiếm 10,78% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 32,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo đồng bào DTTS còn 3.341 hộ, chiếm 12,86% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 23,27% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Các xã thuần vùng đồng bào DTTS hiện nay đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm. Bà con DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có trên 400 em là người DTTS đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định.
Có dịp về xã vùng cao Phan Dũng, huyện Tuy Phong, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, nơi có đông đồng bào dân tộc Ra Glai đang sinh sống, dạo một vòng qua các tuyến đường chính của xã Phan Dũng, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới vui tươi, thanh bình ở miền sơn cước này. Nếu như trước đây, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn thì nay đang “thay da đổi thịt”.
Ấn tượng nhất khi xe chúng tôi chạy bon bon trên đường đèo quanh co, uốn lượn một bên sườn núi cao vời vợi, dưới thung lũng là những cánh đồng lúa xanh mướt làm cho Phan Dũng đẹp như một bức tranh. Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã có lần đi Phan Dũng, đường đi lúc đó rất khó khăn, phải trèo đèo, lội suối cả ngày mới đến nơi. Nhưng nay, đường sá đã được xây dựng bài bản, chỉ hơn 1 giờ xe máy, chúng tôi đã có mặt ở vùng cao Phan Dũng.
Là một trong những xã thuần đồng bào DTTS, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, diện mạo của xã Phan Dũng hôm nay đã thay đổi hoàn toàn. Nếu như trước đây, đồng bào sống du canh, du cư, đời sống khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo trên 40%; con em trong độ tuổi đến lớp ở đây chiếm tỷ lệ thấp; điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế,… thì hôm nay, nhờ thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; các chương trình, chính sách dân tộc, tình hình các mặt sản xuất và đời sống của đồng bào có sự chuyển biến rõ nét.
Trước hết, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, đồng bào được cấp thêm đất sản xuất 109 ha/94 hộ và đã đưa vào sản xuất được 71ha/71 hộ, cùng với đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất một số cây trồng chủ lực (lúa nước, bắp lai, ...), đồng bào có thu nhập khá; thực hiện cho vay phát triển chăn nuôi bò sinh sản, toàn xã hiện có 727 con (bình quân 3,5 con bò/hộ); bên cạnh đó, việc giao khoán cho đồng bào quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên tiếp tục duy trì 5.223,4 ha/141 hộ, bình quân 30,7 ha/hộ và có thêm thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/năm, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Xã duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở; 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Xã tiếp tục duy trì chuẩn quốc gia về y tế, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm,100% đồng bào được cấp thẻ BHYT, …
Theo ông Mang Nhu, Bí thư Đảng ủy xã Phan Dũng: Nhìn chung, đời sống của đồng bào hiện nay được ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, nhiều hộ tham gia sản xuất, chăn nuôi, xây dựng gia đình khang trang và tiến bộ hơn so với 5 - 10 năm trước; hạn chế tình trạng lên rừng tìm nguồn thu hoạch, mưu sinh; thường xuyên giáo dục con em trong độ tuổi đến trường; biết chăm lo sức khỏe khi xảy ra bệnh,… từ những nhận thức đó, cuộc sống từng gia đình được nâng lên.
Không chỉ ở Phan Dũng, các xã vùng đồng bào DTTS khác ở Bình Thuận đã ghi dấu sự đổi thay về cơ sở hạ tầng thiết yếu; kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn miền núi. Đông Giang là một trong 3 xã thuần đồng bào DTTS của huyện Hàm Thuận Bắc với phần lớn là đồng bào Cơ Ho, Raglai sinh sống. Từ khi đèo Đông Giang được hạ thấp độ cao, mở rộng 2 làn xe cùng với hệ thống an toàn giao thông tốt hơn, tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc đến với xã Đông Giang dường như được rút ngắn. Xe cộ có thể chạy bon bon trên đường nhựa đến thẳng trung tâm xã, các tuyến đường thôn, xóm cũng được đầu tư để bà con đi lại và vận chuyển nông sản.
Sự quan tâm đầu tư về hạ tầng, giao thông đã tạo đà vực dậy một vùng cao nghèo khó, góp phần giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Ông K’ Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết: Ngoài các cây trồng chủ lực như lúa, bắp, đậu xanh, hiện nay, Đông Giang đã hướng người dân chuyển đổi 10 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả, đất bạc màu sang các trồng sầu riêng, mít, bưởi, chuối kết hợp nuôi heo đen… Bước đầu, cách làm này mang lại hiệu quả, con nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Năm 2023, xã Đông Giang đã thực hiện vượt 110% chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo do huyện đề ra, với 49 hộ thoát nghèo. Trong thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn người dân chuyển đổi một số diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng mía. Để góp phần tăng thu nhập cho nông dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, chính quyền địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản xuất mía với diện tích dự kiến 40ha. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây, thực hiện mô hình mới cho bà con; hình thành thói quen áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Có thể nói, sự đổi thay của các xã vùng cao Bình Thuận là minh chứng rõ nét cho tính hiệu quả của các chính sách dân tộc, các Chương trình MTQG mà Đảng và Nhà nước đang tập trung đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó là phối hơp̣ thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS.
“Thực hiện Chương trình MTQG 1719,giai đoạn I từ 2021 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện là hơn 852 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và phát triển các ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từng bước phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số và thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi...”, ông Tân cho biết thêm.