Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những đôi chân trần đi tìm con chữ

Quỳnh Trâm - 12:23, 12/11/2021

Những đứa trẻ 5 - 6 tuổi mỗi ngày đi bộ nhiều cây số đường dốc gập gềnh để đến được điểm trường, rồi cũng chừng ấy cây số để trở về nhà sau mỗi buổi học. Gian nan vất vả là thế, nhưng những giấc mơ về con chữ vẫn thôi thúc những đôi chân trần vượt khó.

Điểm trường Tiểu học bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát
Điểm trường Tiểu học bản Ón, xã Tam Chung, huyện biên giới Mường Lát

Gian nan đường đến trường

Từ TP. Thanh Hóa đến được trung tâm huyện biên giới Mường Lát gần 230km, rồi từ trung tâm huyện vào đến bản Ón, xã Tam Chung chừng 25km nữa, nhiều đoạn đường gập ghềnh đá núi, chúng tôi phải đi xe máy, thậm chí đi bộ mới vào đến bản.

Bản có 112 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thuộc những bản đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có điểm trường Mầm non bản Ón nằm giữa lưng chừng núi cao. Thật ngạc nhiên khi có một lớp học chỉ có 3 học sinh đang ngồi nghe giảng.

Gian nan vất vả là thế, nhưng các em nhỏ không ngại khó để đến lớp tìm con chữ
Gian nan vất vả là thế, nhưng các em nhỏ không ngại khó để đến lớp tìm con chữ

Chưa kịp lên tiếng hỏi, cô giáo Vi Thị Bột như đã hiểu được sự băn khoăn của chúng tôi, liền giải thích, học sinh ở đây đều là con em nhà khó khăn. Có những gia đình ở cách xa trường 5 - 6 km, sống trên núi. Hơn nữa, các em nhỏ không được bố mẹ đưa đón, mà phải tự đi bộ đến trường.

Trẻ mầm non thì chỉ 4 - 5 tuổi, những ngày mưa gió các em không đi học được thì đành phải nghỉ. Do đó, dù sĩ số lớp có 16 học sinh (4 tuổi), và ngày hôm đó, chỉ có 3 em nhà gần trường đến học. Cô giáo cho biết thêm, do cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn, chưa tổ chức nấu ăn bán trú cho các cháu được, các cháu chỉ đến học hết giờ học chính rồi về nhà.

Điểm trường Mầm non bản Ón có 3 cô giáo cắm bản. Ngoài cô Vi Thị Bột, còn có cô Phạm Thị Giang, Bùi Thị Thúy.

Nhớ lại những ngày đầu mới lên nhận công tác, cô Thúy dù xác định trước là sẽ nhiều khó khăn, nhưng không ngờ những khó khăn ấy lại nằm ngoài tưởng tượng đến thế.

“Để đến trường, các em nhỏ phải dậy từ sáng tinh mơ. Các em lớp 3 tuổi, nếu tính tháng ra chưa đủ 3 tuổi cũng đi bộ 5 - 6km để đi học. Như em Giàng A Mùa, Lý Thị Dậu, dù nhà cách trường 5 - 6km, nhưng mỗi sáng, khi bố mẹ lên nương cũng là lúc chị em Mùa và Dậu đi học chữ. Mùa Đông mù sương, rét buốt, chân tay các em tê cóng, mặt mũi xanh tái đến nhói lòng. Những ngày nắng thì còn đỡ, mà ngày mưa đường trơn trượt, khi đến được lớp, quần áo, mặt mũi các em đã lấm lem bùn hết cả”, cô Thúy kể.

Không khó để bắt gặp những học sinh chân trần cuốc bộ dọc đường ở bản Ón
Không khó để bắt gặp những học sinh chân trần cuốc bộ dọc đường ở bản Ón

Là người có thâm niên bám bản, thầy Vi Văn Chuân, Trưởng điểm trường Tiểu học bản Ón trăn trở khi kể lại chuyện học của các em học sinh ở bản Ón: “Nhiều hôm các em đi đường xa là mệt rồi, đến trường không đủ sức nghe giảng bài được nữa. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc học tập của các em. Chứng kiến cảnh học sinh của mình phải khổ như vậy, thầy cô rất thương xót,  cũng chỉ biết động viên các em và vận động các gia đình đừng ngại khó mà tiếp tục cho các em đến trường đi học…”.

Kỳ tích ở bản nghèo

Anh Giàng A Chống, Bí thư Chi bộ bản Ón, người đầu tiên trong bản có bằng tốt nghiệp cấp 3 (THPT), cũng là người đầu tiên ở bản Ón được kết nạp vào Đảng. Cũng từng đi qua những chặng đường đến trường gian khó, nhưng với quyết tâm học chữ, anh Chống không bỏ học như bạn bè cùng trang lứa.

“Kỷ lục
Các em học sinh tiểu học phải đi bộ trên con đường lầy lội, lởm chởm đá để đến trường

Sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể tiếp tục vào đại học, anh trở về bản tham gia công tác thôn bản. Nhận được sự tín nhiệm của dân bản, anh Chống thường xuyên tuyên truyền cho bà con các chính sách, đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, anh cũng truyền đạt cho người dân kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật để có năng suất cao hơn.

Theo anh Chống, những năm trước đây, vì học sinh bỏ học nhiều nên tình trạng tảo hôn ở bản rất phổ biến. Mới 13 - 14 tuổi các em đã kết hôn, sinh con, như vậy nghèo lại càng nghèo, như một vòng luẩn quẩn. Những năm gần đây, các em đi học nhiều hơn, tỷ lệ tảo hôn cũng giảm.

“Cái nghèo đã đeo bám dân bản bấy lâu nay. Vì thế, khó mấy cũng phải để bọn trẻ đến trường học chữ, để có kiến thức, xóa bỏ những hủ tục, có vậy mới mong thoát được nghèo”, anh Chống trăn trở.

Do chưa đủ điều kiện tổ chức bán trú nên các em học sinh bản Ón phải đi về vất vả
Do chưa đủ điều kiện tổ chức bán trú nên các em học sinh tiểu học bản Ón phải đi về vất vả

Thầy Nguyễn Thế Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết, đây là điểm trường xa nhất của xã, tiếp giáp Sơn La và Lào. Hơn nữa, đây là điểm trường lẻ, nhưng số học sinh phải đi học xa rất nhiều. Việc duy trì sĩ số ở đây đương nhiên khó đạt chuyên cần, nhưng cơ bản vẫn bảo đảm các em không bỏ học giữa chừng.

“Ở bản Ón, việc đưa được học sinh đến trường đã là kỳ tích. Giờ đây người dân, học sinh đã thay đổi được nhận thức là phải đến trường học chữ. Gần đây, số học sinh ở bản Ón ra trung tâm huyện học THCS, THPT ngày một nhiều, nhiều em ra TP. Thanh Hóa, xuống tận Thủ đô để học cao hơn”, thầy Cường nói.

Những kỳ tích đó là thành quả từ sự quyết tâm của bao người, của các thầy cô giáo cắm bản, như cô Bột, cô Minh, cô Thúy và của chính các em nhỏ không ngại khổ, ngại khó trên hành trình vượt núi tìm chữ. 

Rời bản Ón khi trời đã về chiều, những bước chân trần băng qua núi của các em nhỏ vẫn còn ám ảnh, nhưng tôi vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng cho những mầm non bản nghèo này.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.