Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis. Bệnh thường lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh.
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.
Dấu hiệu của bệnh ho gà
Các triệu chứng bệnh ho gà thường phát triển trong vòng 5-10 ngày kể từ sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Nên đưa người bệnh đến các chuyên gia bác sĩ để được thăm khám sớm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Cục Y tế dự phòng, ho gà thường phát triển theo từng giai đoạn:
Thời kỳ ủ bệnh: 2- 30 ngày (trung bình 5- 12 ngày) kể từ ngày tiếp xúc với người bệnh. Giai đoạn này bệnh nhân chưa có biểu hiện gì
Thời kỳ có các biểu hiện đầu tiên (hay còn gọi là giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3- 14 ngày với các biểu hiện: sốt nhẹ, từ từ tăng dần; các triệu chứng viêm long đường hô hấp: ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.
Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn): Kéo dài 1- 2 tuần, xuất hiện những cơn ho điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm các biểu hiện cơn ho điển hình như sau:
Ho: Trẻ ho rũ rượi, ho thành từng cơn; mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần, khiến trẻ có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Thở rít vào: Xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không nghe thấy tiếng rít trong cơn ho.
Khạc đờm: Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà, đây cũng là một nguồn lây bệnh.
Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái phát lại gây viêm phổi.
Triệu chứng ho gà ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ hơn, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng, thường khỏi bệnh sau 7 ngày.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như: Viêm phổi nặng, đây là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỷ lệ tử vong cao.
Trẻ mắc ho gà còn có thể có các biến chứng như: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi; xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác… Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Các biện pháp phòng bệnh ho gà
Tiêm phòng: Cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch:
Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà: tiêm cho trẻ vào lúc trẻ đủ 2, 3, 4 tháng tuổi.
Tiêm nhắc lại vắc xin mũi thứ 4 có thành phần ho gà vào lúc trẻ được từ 18 đến 24 tháng tuổi.
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Bạn nên lưu ý chăm sóc, giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ cũng như nơi sinh hoạt, làm việc, môi trường xung quanh nhà ở. Đối với trẻ nhỏ, bạn cần đặc biệt quan tâm đến các vật dụng bé tiếp xúc hằng ngày như bình sữa, đồ chơi, núm cao su, khăn,… để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Cần phải cách ly những trẻ bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình. Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang, vệ sinh phòng ở, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, bạn cần xây dựng chế độ ăn hợp lý, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi. Hạn chế các chất kích thích, đồ uống có cồn, nước ngọt, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ (gà rán, khoai tây chiên, xiên que rán, thịt mỡ,…). Riêng với trẻ nhỏ, bé cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài khoảng 18 - 24 tháng.
Thăm khám định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một biện pháp quan trọng nhằm phát hiện và can thiệp kịp thời nếu có các vấn đề bất thường, đồng thời ngăn chặn các tiến triển cũng như biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Phương pháp điều trị
Dựa vào thể trạng sức khỏe, độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Thông thường, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc Erythromycin hoặc azithromycin với liều lượng phù hợp. Để điều trị các triệu chứng bệnh, bác sĩ cũng có thể kê thêm một số thuốc thích hợp. Ngoài ra, Amoxicillin hoặc Cephalosporin cũng có thể được kê đơn để ngăn ngừa bội nhiễm.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được cách ly, hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn bệnh lây lan.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, khi có dấu hiệu mắc bệnh ho gà, trẻ sẽ được yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực nhằm ngăn ngừa cơn ho khiến trẻ ngạt thở, ngừng thở. Trẻ cần được hỗ trợ hút đờm dãi khi cơ thể tiết ra quá nhiều. Nếu trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, khó thở, trẻ có thể được hỗ trợ thở oxy, thở máy.
Đồng thời, bù nước, bù điện giải, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị ho gà, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Ho gà là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh chóng. Do đó, cha mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, đặc biệt là tiêm phòng vaccine theo khuyến cáo của Bộ y tế. Khi nghi ngờ mắc bệnh ho gà hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ điều trị sớm.