Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

An Yên - 10:48, 19/01/2025

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS huyện Quế Phong giảm mỗi năm hơn 4% - Trong ảnh: Một góc bản Huồi Mới xã Tri Lê huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS huyện Quế Phong giảm mỗi năm hơn 4% (Trong ảnh: Một góc bản Huồi Mới, xã Tri Lê, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An)

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Cao Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong  cho biết: Những đầu tư, hỗ trợ đồng bộ từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả tích cực; góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân. Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về lao động, việc làm, thu nhập, hạ tầng cơ sở… có sự thay đổi, dịch chuyển đáng kể so với đầu nhiệm kỳ.

Để kiểm chứng lời Chủ tịch huyện nói, chúng tôi đã về các bản làng để được mắt thấy tai nghe những đổi thay, bắt đầu từ kết cấu hạ tầng. Những dự án mở đường, đầu tư xây dựng trụ sở, trường học, cầu, khu tái định cư… đang khoác lên huyện miền núi một gam màu tươi sáng mới. Quan trọng hơn, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư, đã đáp ứng tối đa nhu cầu thụ hưởng của người dân trong vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế và tiếp tục giữ được đà tăng trưởng.

Mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập cao ở xã Thông Thụ
Mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập cao ở xã Thông Thụ

Nhờ những đầu tư đó, toàn huyện hiện đã có 1 xã và 16 thôn bản (xóm) đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 14,42 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn có nhà văn hoá, 7/13 xã, thị trấn đã có sân vận động; 5/13 xã có hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở; 100/107 thôn, bản đã có nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng; 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn thiết chế văn hóa, thể thao theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Toàn huyện có 30/44 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt 97%. Tỷ lệ hộ gia đình có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Các hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện đạt 99%. Số thôn bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá đạt 92,5%, 100% xã đã có đường nhựa đi lại thuận tiện; hệ thống đường giao thông nội đồng cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Hộ nghèo của bản Piêng Cu, xã Tiền Phong được nhận bò sinh sản nuôi từ nguồn vốn của Chương trình MTQG.
Hộ nghèo của bản Piêng Cu, xã Tiền Phong được nhận bò sinh sản nuôi từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bảo DTTS và miền núi

Những năm qua, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đều giảm trên 4% theo chuẩn đa chiều.Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo DTTS từ 49,58% năm 2021, giảm xuống còn 38,55% năm 2023, bình quân giảm 5,51%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 35,7 triệu đồng, tăng 6,88 triệu đồng so với năm 2020 (năm 2020 là 28,82 triệu đồng).

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư của Chương trình MTQG 1719, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân được quan tâm tốt hơn. Nhờ thế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đến nay đạt 40%; hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm hằng năm trên 1.500 người, trong đó đi làm việc ở nước ngoài hơn 200 người.

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Cao Minh Tú hồ hởi: Trong rất nhiều niềm vui về những khởi sắc, đổi mới hôm nay, có một niềm vui lớn hơn, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, suy nghĩ của bà con, chính là huyện đã chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Thị trấn Kim Sơn huyện Quế Phong nhìn từ trên cao
Thị trấn Kim Sơn huyện Quế Phong nhìn từ trên cao

Còn nhớ, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, tỷ lệ tảo hôn của huyện là 25 trường hợp. Thời điểm ấy, Quế Phong đang là một điểm nóng về tỷ lệ tảo hôn. Nếu so sánh trên bảng xếp hạng, thì Quế Phong đứng thứ 3 cả tỉnh về tình trạng tảo hôn. Ông Tú nói thêm: Từ năm 2023 đến nay, ở các địa phương trên toàn huyện đã không xẩy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Từ những chia sẻ của lãnh đạo huyện, từ những thông số mà huyện Quế Phong đạt được, càng khẳng định thêm rằng: Chương trình MTQG 1719 đang có những tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cả về tư tưởng lẫn hành động của mỗi người dân. 

Kết quả mà Quế Phong đạt được hôm nay còn cho thấy, sự vào cuộc không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị với quyết tâm lớn lao, là xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới./.

Tin cùng chuyên mục
Xuân ấm áp ở làng Kon Tuông

Xuân ấm áp ở làng Kon Tuông

Vượt gần 150km với những cung đường ngoằn nghèo và hơn 1 giờ đi bộ trên con đường lầy lội, trơn trượt, qua những ngọn đồi, con suối, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Kon Tum do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang làm Trưởng đoàn mới đến được làng Kon Tuông, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei để chung vui Ngày hội bánh chưng xanh Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 với đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Một không khí xuân ấm áp ngập tràn ở ngôi làng còn bộn bề khó khăn nằm dưới chân núi Ngọc Linh hùng vỹ.