Nâng cao thu nhập từ dịch vụ du lịch
Có dịp lên La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tham quan Danh thắng Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hòa mình cùng hàng trăm khách du lịch lên ngắm đồi mâm xôi, những thửa ruộng bậc thang vàng óng tuyệt đẹp trong mùa lúa chín…, chúng tôi mới cảm nhận được du lịch nông thôn miền núi đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi du khách lên tham quan đồi mâm xôi sẽ bỏ ra chi phí khoảng 130 ngàn đồng để mua vé và đi xe ôm 2 chiều. Ngoài ra, du khách còn sử dụng các dịch vụ như thuê trang phục dân tộc, thuê hoa, quẩy tấu nhờ các “mẫu nhí” đứng bên cạnh để check-in, mua đồ ăn, nước uống… Thời điểm mùa lúa chín, mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến tham quan, sử dụng các dịch vụ du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho đồng bào Mông nơi đây.
Để khai thác du lịch hiệu quả, chuyên nghiệp, xã La Pán Tẩn đã thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch đồi Mâm Xôi với 5 tổ xe ôm tự quản và 2 đội văn hóa văn nghệ quần chúng phục vụ du khách. Anh Lý A Long, dân tộc Mông ở bản Phú Nhung cho biết, mỗi chuyến xe ôm, HTX sẽ thu 100 nghìn đồng/người, người chở khách trực tiếp sẽ được 80 nghìn đồng, nộp lại cho HTX 20 nghìn đồng.
Các homestay ở La Pán Tẩn ngoài việc đón khách, phục vụ ăn, ở, còn liên kết một số hộ gia đình làm các sản phẩm thổ cẩm, tổ chức cho khách du lịch trải nghiệm cuộc sống người Mông như: Khai hoang ruộng bậc thang, cày ruộng, gặt lúa, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, giã bánh dày... Bên cạnh đó, họ còn lập trang fanpage, liên kết với các trang mạng xã hội quảng bá và đặt dịch vụ trực tuyến để du khách biết đến với Mù Cang Chải nhiều hơn.
Ông Phạm Tiến Lâm, Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn cho biết: Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải trên địa bàn xã La Pán Tẩn đã mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế và xã hội. Hằng năm, xã tổ chức tốt các hoạt động về lễ hội văn hoá, du lịch trên địa bàn, thu hút trên 56.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông nghiệp đi khắp nơi. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, qua đó giúp người dân có “doanh thu kép” từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.
Bà Nguyễn Thị HoaPhó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu
Tạo “doanh thu kép”
Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, địa phương có diện tích trồng mận hậu lớn nhất cả nước với hơn 3.200ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400ha. Vào mùa hoa mận nở và mùa mận chín, các chủ vườn mận mở cửa đón du khách vào tham quan với giá vé dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/khách. Lên Mộc Châu, du khách được trải nghiệm nhiều mô hình nông nghiệp hấp dẫn như: Hái mận, hái dâu tây, tham quan đồi chè, trải nghiệm tại các trang trại bò sữa…
Anh Lê Quang Quyền, hướng dẫn viên du lịch tuyến Tây Bắc chia sẻ: Mộc Châu đông khách nhất vào mùa hoa nở và mùa thu hoạch quả. Đẹp nhất là thung lũng mận Nà Ka, tiếp đến là bản Pa Phách, tiểu khu Pa Khen, khu vực Nông trường, đường vào Ngũ động Bản Ôn hay thung lũng mận Mu Náu... Tới đây, du khách có thể hái mận, thưởng thức ngay tại vườn, chụp ảnh check-in, tự tay hái từng trái mận đem về làm quà. Ngoài ra, du khách còn sử dụng một số dịch vụ khác như thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh, ăn nghỉ qua đêm… Những loại hình dịch vụ này đã mang lại nguồn thu khá lớn cho người dân địa phương.
Còn tại tỉnh Lai Châu cũng có một điểm sáng du lịch sinh thái - cộng đồng, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, đó là bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ.
Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết, vài chục năm trước, Sin Suối Hồ là một bản nghèo với tỷ lệ người nghiện cao. Nhờ biết đoàn kết, đồng lòng phát huy bản sắc văn hóa để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, đến nay Sin Suối Hồ đã đẩy lùi được các hủ tục, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Bản đã đạt “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.
Ngoài La Pán Tẩn, Mộc Châu, Sin Suối Hồ, vùng Tây Bắc còn có nhiều địa phương khai thác hiệu quả du lịch nông thôn như: Mai Châu, Hang Kia, Pà Cò, tỉnh Hòa Bình; Vịnh Pá Khôm, bản Vàng Pheo, Đồi chè Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Tận dụng tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, các địa phương đã tập trung phát triển các vùng trồng cây chuyên canh; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng;… Xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Từ hoạt động du lịch nông thôn đã thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Tây Bắc.