Như cây cao bóng cả giữa đại ngàn Trường Sơn, già làng, Người có uy tín Blúp Dứ, thôn Đăk Ốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang (Quảng Nam) không chỉ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, có công đóng góp cho sự nghiệp trồng người mà còn là điển hình trong phong trào bảo vệ đường biên cột mốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
“Tôi thường xuyên cùng các chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra biên giới, phát quang đường biên cột mốc. Nhất định giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, tôi tích cực phát hiện, tố giác tội phạm khu vực biên giới. Hễ có vi phạm trật tự an ninh như: trộm cướp, đánh nhau… là chúng tôi gõ mõ để cả thôn được biết, cùng nhau giải quyết”, già làng Blúp Dứ chia sẻ.
Còn bà Đặng Thị Dẩn, dân tộc Dao, thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết: “Giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia là rất quan trọng nên tôi đã cố gắng hết sức mình để tuyên truyền, vận động nhân dân. Không để kẻ xấu lợi dụng làm những việc vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước”.
Thôn Nậm Sò có 6,5km đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có nhiều tuyến đường tiểu ngạch qua lại biên giới, đặc biệt là xuất hiện đối tượng mua bán ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em…Trước tình hình đó, bà Dẩn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác với các loại tội phạm, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá Nhà nước, giữ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Bà Dẩn tích cực tham gia Tổ tự quản đường biên mốc giới. Kịp thời phát hiện và báo cho lực lượng Biên phòng, cấp ủy chính quyền xử lý 5 vụ vận chuyển hàng trái phép qua biên giới, 2 vụ buôn bán phụ nữ, 6 vụ xuất cảnh trái phép...
Hay ông Lô Xuân Tiến, bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã phát huy vai trò Người có uy tín trong bảo vệ an ninh biên giới khi ông thường xuyên lồng ghép nội dung về chủ quyền biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc cho Nhân dân tại các cuộc họp bản hay trong những ngày lễ, Tết…Nhờ nỗ lực đó, trong những năm qua, đã có trên 150 lượt người dân trong bản tự nguyện, tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng tuần tra biên giới. Bên cạnh đó, ông luôn vận động nhân dân cảnh giác với các loại tội phạm. Những năm gần đây, trong bản không xảy ra vụ việc gây mất an ninh trật tự, không có tệ nạn xã hội.
Việt Nam có 1.019 xã biên giới ở 235 huyện, 44 tỉnh tiếp giáp với Lào, Trung Quốc và Campuchia. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực lớn, đầu tư các công trình thiết yếu ở cửa khẩu, đường tuần tra biên giới; trồng rừng, bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho đồng bào… Nhờ vậy, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp đáng kể công sức của những Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc sinh sống ở vùng biên giới.
Đánh giá về vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở địa bàn biên giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Người có uy tín có vai trò rất quan trọng, họ là những người gương mẫu đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, Người uy tín luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, không quản ngại khó khăn, vất vả, Người có uy tín đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển.
‘Mồ hôi, công sức của Người có uy tín đã góp phần xây dựng biên giới với các nước bạn hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
THANH HUYỀN