Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những bản làng trù phú trên vùng đất Nghĩa Đô: Tự hào về vùng quê cách mạng (Bài 1)

Trọng Bảo - 17:05, 19/08/2022

Dọc bên dòng Nậm Luông yên bình ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, là những bản làng người Tày trù phú với màu xanh của sự ấm no, đủ đầy… Nghĩa Đô là vùng đất cách mạng - nơi quân và dân Nghĩa Đô đã mở cuộc tấn công và bức địch rút sạch quân khỏi đồn Nghĩa Đô vào ngày 23/2/1950, đánh dấu sự kiện huyện Bảo Yên sạch bóng quân thù, góp phần vào thắng lợi giải phóng Lào Cai.

Mùa vàng Nghĩa Đô
Mùa vàng Nghĩa Đô

Dưới chân núi Khau Rịa, dòng Nậm Luông hiền hòa uốn lượn quanh những bản làng người Tày. Theo dòng lịch sử cho thấy, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở và thung lũng bằng phẳng, năm 1948, giặc Pháp đã chọn Nghĩa Đô là nơi để dựng bốt đồn, tích trữ súng đạn, tạo liên kết tuyến Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô.

Vùng quê cách mạng 

Tại Nghĩa Đô, kẻ thù không chỉ dựng đồn bốt kiên cố, mà còn ra sức vơ vét của cải, đàn áp, chia rẽ đồng bào các dân tộc. Điều đó khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng cực khổ. Cuối tháng 2/1948, quân Pháp bắt đầu mở các cuộc tấn công mới nhằm mở rộng phạm vi chiếm đóng. Với uy thế hoả lực mạnh quân Pháp đã chiếm được Nghĩa Đô (27/2/1948).

Trước tình hình thực dân Pháp mở rộng căn cứ, xây đồn, tạo sức mạnh về lực lượng, từ tháng 3 đến tháng 5/1949, quân ta mở Chiến dịch Lao Hà. Quân và dân huyện Bảo Yên phối hợp với bộ đội chủ lực, mở các trận phục kích, tập kích trên các tuyến giao thông từ Nghĩa Đô - Bảo Hà, làm tiêu hao sinh lực địch. Tháng 5/1949, quân ta mở Chiến dịch Sông Thao đợt 1, phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Nghĩa Đô - Phố Ràng - Bảo Hà.

Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa đô cho biết: Theo tư liệu lịch sử về chiến thắng Nghĩa Đô ghi rõ: “Đến ngày 23/2/1950 quân Pháp và tay sai trong đồn đã cạn sức, một số ra đầu hàng, số còn lại chạy sang Bắc Hà. Quân ta làm chủ chiến trường, Nhân dân vui mừng trong niềm vui giải phóng, bầu trời Nặm Luông bừng sáng, thác Mạ Khạng tỉnh giấc reo vang; quê hương Nghĩa Đô hoàn toàn giải phóng”.

Cùng với chiến thắng Phố Ràng, chiến thắng Nghĩa Đô có ý nghĩa quan trọng, phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, cắt đứt mối liên hệ của chúng từ Lào Cai đi các tỉnh, mở cánh cửa cho quân ta tiến lên giải phóng Lào Cai.

Sau ngày giải phóng, chính quyền và Nhân dân xã Nghĩa Đô thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền, củng cố tổ chức đảng, phát triển kinh tế, tham gia chi viện cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1951 - 1954) và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975).

Trải qua hơn 20 năm bền bỉ, kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân xã Nghĩa Đô đã giành được nhiều thắng lợi to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, làm tròn nghĩa vụ chi viện cho chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Toàn xã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, góp hàng chục vạn ngày công phục vụ chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có hàng trăm thanh niên Nghĩa Đô lên đường nhập ngũ, trong đó có 35 người đã anh dũng hy sinh, nhiều người bỏ lại một phần cơ thể nơi chiến trường...

“Chiến thắng Nghĩa Đô mãi mãi vang xa, cho hôm nay ta hát một bài ca”… đó là lời trong bài hát mà đồng bào Tày ở Nghĩa Đô vẫn vang lên trong mỗi dịp lễ, tết. Truyền thống lịch sử của quê hương, đã tiếp thêm sức mạnh cho biết bao thế hệ nơi đây đoàn kết, chung tay cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Cây dâu tằm được đưa vào trồng góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân
Cây dâu tằm được đưa vào trồng góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân

Tự hào xây dựng quê hương

Khởi điểm là xã vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt, hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đã phát huy tinh thần tự hào vùng đất cách mạng, sự đoàn kết đồng lòng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây trong việc chung tay xây dựng NTM, tạo nên diện mạo mới cho vùng đất cách mạng này.Tháng 3/2016, Nghĩa Đô được công nhận xã NTM, đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề để Nghĩa Đô tiếp tục bứt phá, bắt tay xây dựng NTM nâng cao, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân cả về vật chất và tinh thần. 

Theo ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, nơi đây hội tụ những yếu tố truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Tày Bảo Yên. Trong đó, di tích lịch sử như chiến thắng Nghĩa Đô, đền Nghĩa Đô… những bản nhà sàn tuyệt đẹp, là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển du lịch cộng đồng. 

Năm 2019, Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Cũng từ định hướng này, mà bản sắc văn hóa được gìn giữ, bảo tồn; nhiều lễ hội, nghị lễ truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào Tày được phục dựng, như Nghi lễ then Tày, nghi lễ mừng thọ, Lễ hội Pang Luông, Nghi lễ lấy nước đầu năm…

Cùng với định hướng du lịch, còn nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho đồng bào cũng đã được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể ở Nghĩa Đô đồng lòng bắt tay thực hiện. Đặc biệt là những mô hình kinh tế có tính đột phá, như việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa nhiều cây, con mới vào sản xuất như quế, dâu tằm… mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân…

"Đến nay, Nghĩa Đô đã hoàn thành 16/18 tiêu chí NTM nâng cao; trong đó nổi bật là hoàn chỉnh phương án quy hoạch; mở rộng và kiên cố hóa đường giao thông liên thôn, liên xã bằng bê tông xi măng; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 5%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 94,7% số cán bộ xã đạt chuẩn; sự hài lòng của người dân đối với chính quyền đạt tỷ lệ 100%; các tổ chức chính trị - xã hội đạt loại khá trở lên…”, Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Lưu phấn khởi thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.