Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhộn nhịp làng nghề chổi chít

PV - 14:29, 19/03/2019

Khi hai vợ chồng người Dao thôn Làng Chẩu 1, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) quả quyết rằng, con số hơn 8 nghìn cây chổi chít mà anh chị giao bán được trong một năm là mức bình thường so với nhiều hộ ở đây, tôi đã nghi hoặc. Và đến khi được mục sở thị chứng kiến sự nhộn nhịp, tấp nập của làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm thì tôi ngỡ ngàng bao điều…

Lộc rừng

Thôn Làng Chẩu 1 có 116 hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Quần trắng. Trưởng thôn là Trần Văn Điều, dáng người nhỏ thó và khá hoạt ngôn. Anh ví von chổi chít ở đây là dạng “chổi mòn”. Nghĩa là chổi chỉ mòn đi chứ không rụng, những bông chít cong theo chiều quét chứ không bị gãy gập. Thế nên thương hiệu “chổi chít Làng Chẩu” vẫn được ca tụng bao đời: “Chổi làm từ thứ lộc rừng/Mình dài, cán cứng, để dùng hằng năm”.

Người dân thôn Làng Chẩu 1, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đang làm chổi chít. Người dân thôn Làng Chẩu 1, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đang làm chổi chít.

Cụ Triệu Thị Lơ, năm nay gần 90 tuổi, là người già nhất bản. Cụ bảo, ngay từ hồi nhỏ đã thấy những bông chít trải trước sân nhà. Đi đến đâu cũng thấy nhà nhà làm chổi, trẻ con không cần phải dạy nhiều, nhìn mãi cũng quen rồi làm theo. Ngày đó con gái, con trai trong bản mới 7, 8 tuổi đã bó chổi thành thạo lắm.

Qua bao đời, nghề chổi chít cứ thế thịnh hành ở đất này. Giờ đây, những chiếc xe máy, xe ô tô chở bông chít đến làng, qua bàn tay bà con biết bao cây chổi hình thành. Sản phẩm lại tiếp tục theo xe nhập cho các cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Trưởng thôn Trần Văn Điều quả quyết: “nói là nghề phụ nhưng từ lâu đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân nơi đây. Các đại lý thu mua từ 20-30 nghìn đồng/chổi nên có người mức thu nhập lên đến 500 nghìn đồng/ngày.

Chị Lý Thị Minh là một trong những người làm chổi đẹp và nhanh nhất nhì bản. Chị bảo, để làm ra một cây chổi chít, phải trải qua nhiều bước kỳ công. Ban đầu phải vặt từng bông chít, sau đó bó lại thành từng bó nhỏ (gọi là con chổi). Khi đủ 10 con chổi thì bắt đầu cuốn chổi, chặt đầu, đuôi và đóng cán. Tất cả đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn sức lực nhiều.

Nghe qua có vẻ dễ thế nhưng để làm một cây chổi đẹp, mắt chổi đều, lưỡi chổi xòe thì cần sự khéo léo, tinh tế. Bà Triệu Thị Minh, năm nay 60 tuổi, bà biết làm chổi từ năm 8 tuổi. Bà chia sẻ, để phân biệt tay nghề non hay lâu năm thì chỉ cần nhìn vào cách quấn chổi của mỗi người là biết ngay. Đây được cho là công đoạn khó nhất, bởi phải quấn sao cho cán chổi thật chắc chắn, đạt được tính thẩm mỹ mà lại bền. Thông thường một chiếc chổi đót chỉ có “tuổi thọ” trong khoảng 3 tháng, riêng chổi ở đây được khách hàng “phản hồi”, thời gian sử dụng được 5 tháng. Điều đó tạo nên thương hiệu riêng cho chổi chít Làng Chẩu.

Khát vọng làng nghề

“Ly nông bất ly hương” từ lâu không còn xa lạ với người dân nơi đây. Học xong THPT, Triệu Thị Hà không xuống Hà Nội hay các khu công nghiệp tìm việc mà ở quê gắn bó với nghề chổi chít. Hà cho biết: Nếu chịu khó thì mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày 2 người phụ nhau nhanh tay có thể làm được 70 sản phẩm. Các mối khách quen là các đại lý ở thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái... Thường thì họ đặt 200-300 sản phẩm/lần, làm không xuể, bà con hàng xóm lại cùng nhau đến giúp”.

Chị Trần thị Minh, thôn Làng Chẩu 1, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đang phơi bông chít Chị Trần thị Minh, thôn Làng Chẩu 1, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đang phơi bông chít

Đó là cách người ở thôn giữ uy tín cho nhau, để không mất đi mối khách quen. Người Dao vốn thân tình và trọng chữ tín như thế!

Trưởng thôn Trần Văn Điều cho biết, thực tế chổi chít không lo “ế”, sản phẩm làm ra đến đâu bán đến đấy. Ở nhiều nơi khác, chổi chít loay hoay tìm đầu ra, thì nơi đây bà con lại gặp khó khăn ở khâu đầu vào.

Nguyên do là nhiều năm nay, nguồn nguyên liệu làm chổi bắt đầu khan hiếm. Trước đây, bà con thường tìm mua tại các xã lân cận trong tỉnh… thì bây giờ đa số phải đến tỉnh bạn như Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái. Anh Bàn Văn Độ chia sẻ, mỗi lần đi thu mua mất mấy ngày nhưng chỉ mang về được 3-5 tạ bông chít. Khách đặt hàng nhiều thì cũng đành chịu vì nguyên liệu khan hiếm.

Nguyện vọng các hộ dân nơi đây là tiến tới thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động quy mô. Có người đứng ra đại diện từ khâu thu mua nguyên liệu, đến khâu sản xuất rồi đem đi tiêu thụ. Từ đó xây dựng được giá trị sản phẩm, có đầu vào, đầu ra ổn định.

Tuy nhiên để làm được điều này, cần có vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức, hoặc mạnh thường quân đứng ra tổ chức thêm nguồn vốn, giúp người dân chủ động được nguyên liệu, phát triển sản xuất, từng bước hình thành thương hiệu “Chổi chít Làng Chẩu”.

GIANG LAM