Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhóm " Tình nguyện Xanh" với hành trình thiện nguyện đầy cảm xúc dành cho đồng bào DTTS

Văn Hoa - 12:38, 12/09/2021

“Dẫu biết rằng công việc thiện nguyện trong thời gian này rất nguy hiểm, có khi phải liều mình, vì bất cứ lúc nào mình cũng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng khi thấy niềm vui của những người được nhận nhu yếu phẩm, tất cả thành viên trong nhóm đều cảm thấy vui lòng”. Đó là chia sẻ của chàng trai Tòng Vũ Tùng, dân tộc Thái, Trưởng nhóm Tình nguyện Xanh.

Tòng Vũ Tùng trước giờ xuất phát đi trao yêu thương tới những hoàn cảnh khó khăn
Tòng Vũ Tùng trước giờ xuất phát "trao yêu thương" tới những hoàn cảnh khó khăn

“Em nhớ nhất là khi đến một phòng trọ nhỏ xíu nhưng có tới 18 người ở với nhau, họ đều là người dân tộc thiểu số (DTTS) làm công nhân, mắc kẹt ở Hà Nội vì Covid-19, không có tiền ăn, tiền thuê trọ. Bác Lò Thị Phước là người Thái quê Điện Biên lủi thủi ngoài cửa, vì không biết tiếng phổ thông nên bác ngại ngùng, né tránh người lạ. Khi em cất lên tiếng Thái, bác Phước vui mừng mở lòng trò chuyện, Thấy bác khóc, bọn em cũng khóc theo”. Đó là chia sẻ của chàng thanh niên Tòng Vũ Tùng, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Dược ASEAN, dân tộc Thái (Sơn La) khi nói về những hành trình thiện nguyện đầy cảm xúc của mình.

Tòng Vũ Tùng là Trưởng nhóm Tình nguyện Xanh. Nhóm vừa được thành lập trong đợt dịch lần thứ 4, với mục đích đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ sinh viên và lao động người DTTS đang gặp khó khăn tại Hà Nội. Hiện tại nhóm có 12 người, nhưng hoạt động liên tục có 6 người, đều là sinh viên, người lao động tự do và là người DTTS.

Tùng cho biết, bản thân em và các thành viên trong nhóm, đều từng trải qua những khó khăn khi là người DTTS, ở vùng miền núi xuống Hà Nội học tập, lao động với nhiều thứ mới mẻ, bỡ ngỡ. Và khi nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng, đặc biệt là Nhóm dân tộc Thái tại Hà Nội, nên cuộc sống dần ổn định hơn. Hoạt động của nhóm là để lan tỏa tinh thần cố kết cộng đồng, lan tỏa sự sẻ chia.

Công việc của nhóm Tình nguyện Xanh là phối hợp với nhóm dân tộc Thái tại Hà Nội đi ship nhu yếu phẩm cho những sinh viên, người lao động tự do có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Hà Nội. Đối tượng ưu tiên là người DTTS,  cứ khó khăn là nhóm hỗ trợ. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm sẽ lên trang cá nhân trên Facebook của mình kêu gọi người trong gia đình, người thân, hội đồng hương… ủng hộ.

Ban ngày các thành viên tập trung kêu gọi hỗ trợ và đóng quà. Sau 18h là lúc mang những “tình cảm” của mọi người đến trao cho từng hoàn cảnh khó khăn. Để bảo đảm an toàn, các thành viên trong nhóm sẽ mặc đồ bảo hộ và rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn liên tục.

Những phần quà nhỏ nhưng kịp thời giúp những người khó khăn ổn định cuộc sống
Những phần quà nhỏ nhưng kịp thời giúp những người khó khăn ổn định cuộc sống

Tùng cho biết, vì có thẻ tình nguyện nên việc lưu thông qua các chốt kiểm dịch khá dễ dàng và còn được tạo điều kiện. Tuy nhiên, hàng hóa hỗ trợ chủ yếu là gạo, thực phẩm tương đối nặng và cồng kềnh, nên di chuyển bằng xe máy rất khó. Vì muốn đưa đến tay người cần, nên nhóm cố ship cho xong trong thời gian sớm nhất có thể, nhiều khi tới 1 - 2h đêm mới về. Những đơn hàng ở nội thành, biết đường thì còn đỡ; những đơn ngoại thành không biết đường, đi lòng vòng mãi mới phát hiện sai đường lại phải quay lại.

Tùng kể, có lần em bị hỏng xe, lúc đó hơn 10 giờ đêm ở giữa đường Trần Khát Chân. Thời điểm đó cũng muộn mà Hà Nội không có quán nào sửa xe, em cứ loay hoay không biết phải làm sao. Thời tiết Hà Nội thì nóng, mà em phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít nên càng nóng hơn.  Nhưng vì lỡ hẹn sẽ đem bánh mì đến nơi cần, nên em đã cố gắng liên hệ thợ sửa xe qua mạng. May thay có người đến sửa và sau đó em tiếp tục giao thêm 30 suất bánh mì nữa rồi mới về.

Để có thể trao đúng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhóm Tùng thường xuyên lên trên nhóm Zalo SOS sau đó đi xác minh. Hoặc nhờ người ở trên quê, người quen ở các địa phương khác hỏi xem ở quê có ai đi lao động tại Hà Nội bị mắc kẹt gặp khó khăn không để hỗ trợ, nhờ đó mà nhóm có thể hỗ trợ được nhiều người hơn.

Nhu yếu phẩm đến tay đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn
Nhu yếu phẩm đến tay đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Tùng chia sẻ, nếu ship hết năng suất, trung bình mỗi ngày cũng trên 100 suất; ngày ít nhất cũng trên 80 suất quà. Đến thời điểm hiện tại, Nhóm đã trao đi được hơn 800 suất quà (gồm gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu) cho những người gặp khó khăn, hầu hết đều là người DTTS như.

Vừa qua, Nhóm cũng tặng hơn 100 suất cơm cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Sản nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong số đó, có nhiều người bị mắc kẹt không có tiền, không gạo, không tìm được sự giúp đỡ do không biết sử dụng điện thoại di động hay các trang mạng xã hội. Khi nhận được sự giúp đỡ, họ cúi đầu cảm ơn, một số bác đã khóc. Điều đó khiến chúng em thực sự cảm động và có thêm động lực để tiếp tục thực hiện công việc của mình.

“Dẫu biết rằng công việc thiện nguyện trong thời gian này rất nguy hiểm, có khi phải liều mình, vì bất cứ lúc nào mình cũng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng khi thấy niềm vui của những người được nhận nhu yếu phẩm, tất cả thành viên trong Nhóm đều cảm thấy vui lòng”. Tùng bày tỏ.

Nhận thấy việc làm của con trai có ý nghĩa, ông Tòng Văn Toan và bà Vì Thị Liến (là bố mẹ ruột của Tùng), đã ủng hộ 2 tạ gạo và một khoản tiền nhỏ để tiếp thêm nguồn lực giúp Tùng và nhóm Tình nguyện Xanh giúp đỡ được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.