Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhóm nữ đại biểu Quốc hội: Khẳng định vai trò, bản lĩnh, đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng đất nước

PV - 11:39, 19/10/2022

Ngày 20/10 là ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, cũng là kỷ niệm 92 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam. Thời gian qua, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã trở thành một trong những lực lượng mũi nhọn trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, thể hiện bản lĩnh chính trị, vai trò, trí tuệ... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vào tiến trình phát triển chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Lãnh đạo Quốc hội, nguyên Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Lãnh đạo Quốc hội, nguyên Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 20/10 tới đây là ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cũng là ngày kỷ niệm 92 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam. Trong suốt chặng đường 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, các thế hệ nữ đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và tài năng của mình, đóng góp vào tiến trình xây dựng đất nước và những bước tiến, đổi mới, thành công trong hoạt động của Quốc hội.

Ngay từ Quốc hội khóa I, tuy chỉ với 10 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 3% nhưng nhiều nữ đại biểu đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, đại biểu Lê Thị Xuyến đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội. Đến năm 1950, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, bà được bầu làm Hội trưởng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, đại biểu Lê Thị Xuyến đã đảm nhiệm xuất sắc cùng lúc cả hai vị trí: Ủy viên Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Một tấm gương tiêu biểu khác là đại biểu Nguyễn Thị Thập, một trong mười nữ đại biểu đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Trong suốt 18 năm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Thập đồng thời được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội và giữ cương vị này liên tục trong 21 năm, từ khóa III đến khóa VI (1960-1981). Trên cương vị công tác của mình, đại biểu Nguyễn Thị Thập đã có những đóng góp quan trọng trong đó nổi bật là kiến nghị với Đảng, Nhà nước xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình (ban hành ngày 13/01/1960) cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam, nữ bình đẳng và nhiều chính sách khác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam

Sau hơn 7 thập kỷ, Quốc hội ta đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Kế thừa truyền thống quý báu, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên được thành lập trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã đánh dấu sự nỗ lực và phát triển không ngừng của đại diện nữ giới trong Quốc hội. Trải qua 03 nhiệm kỳ Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã trở thành diễn đàn thực sự để các nữ đại biểu Quốc hội có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động đại biểu, hỗ trợ cho các đại biểu hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò đại diện của mình, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong bối cảnh bộn bề công việc của Quốc hội, công việc chuyên môn và trách nhiệm với gia đình, trong điều kiện hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội chỉ là kiêm nhiệm và không có bộ máy giúp việc chuyên trách, các nữ đại biểu bằng tinh thần trách nhiệm đã chung tay góp sức để hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đi vào thực chất, mang lại lợi ích, hiệu quả không chỉ cho riêng các nữ đại biểu Quốc hội, mà còn là những đóng góp có ý nghĩa cho Quốc hội và thể chế dân chủ của nước ta.

Kết quả hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa chính là cơ sở quan trọng để ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 405/NQ-UBTVQH15 thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV. Quốc hội khóa XV, với 151 đại biểu nữ, đang đứng trước những yêu cầu đổi mới tích cực hơn để xứng đáng với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của cử tri, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ Gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, mỗi đại biểu Quốc hội cần phát huy tối đa năng lực bản thân để đóng góp vào trí tuệ tập thể, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động hướng vào các hoạt động cụ thể để hỗ trợ các nữ đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Để Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hoàn thành tốt được các mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Nhóm sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thể hiện tiếng nói của phụ nữ, bảo vệ quyền lợi của trẻ em, của những đối tượng yếu thế trong xã hội. Nâng cao kỹ năng hoạt động cho nữ đại biểu dân cử; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực; tiếp tục đổi mới về nội dung, đa dạng hóa về phương thức hoạt động nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội mong Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội sẽ gắn kết để chia sẻ mối quan tâm chung và phối hợp hành động: gắn kết giữa các nữ đại biểu Quốc hội chia sẻ trong cuộc sống, công việc, các mối quan tâm; gắn kết với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ để chia sẻ, tương hỗ trong quá trình hoạt động; với các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; gắn kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ, các cơ quan liên quan khác, gắn kết giữa Nhóm nữ đại biểu Quốc hội với các Nhóm nữ đại biểu Hội đồng nhân dân đã được tổ chức ở một số tỉnh, thành phố; quan hệ với nhóm nữ đại biểu Quốc hội các nước.

Với niềm tin tưởng và sự gửi gắm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp hơn ba phần tư thế kỷ của Quốc hội Việt Nam và ba nhiệm kỳ rất thành công của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, không ngừng rèn luyện kỹ năng, kiến thức để đóng góp chung vào những nỗ lực không ngừng đổi mới hoạt động của Quốc hội, làm tròn trách nhiệm người đại biểu của dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.