Tết xưa, không chỉ người lớn rậm rạp trước cả vài tháng để chăm sóc đàn gà, vỗ béo con lợn trong chuồng, chuẩn bị thực phẩm cho một cái Tết thật ấm cúng, đủ đầy mà lũ trẻ chúng tôi cũng phải xắn tay áo vào trang trí nhà cửa, đi chợ sắm Tết. Vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch là mùa đót trổ bông. Lũ trẻ chúng tôi lũ lượt rủ nhau lên rừng hái bông đót để mang đi chợ bán lấy tiền làm quỹ riêng.
Số tiền tích lũy được từ bán bông đót, bán củi…, chúng tôi dùng để mua phẩm màu về quét giấy để cắt tỉa làm hoa, làm những dây mành xúc xắc treo ở gian thờ và các khung cửa sổ. Để trang hoàng lại nhà cửa cho khang trang, tươi mới, lũ trẻ chúng tôi còn tự trích quỹ riêng đi chợ để mua các bức tranh ngũ quả, câu đối, tranh thủy mặc… về trang trí cho gian thờ.
Tôi còn nhớ năm tôi lên 6 tuổi, thầy mẹ tôi được phát cho mấy vuông vải xanh chéo và vải hoa valide để may quần áo cho các con. Để tiết kiệm tiền may, mẹ tôi đã tự cắt vải may quần, còn áo thì mang đến nhờ cô hàng xóm có máy khâu cắt may dùm.
Trưa 28 tháng Chạp, mẹ may xong quần và sang nhà hàng xóm lấy áo về. Tôi sung sướng chạy ra đỡ bộ quần áo trên tay mẹ, hít hà mùi thơm của bộ đồ mới rồi xúng xính vào nhà mặc thử. Chiếc quần mẹ may hơi chật ống nhưng tôi thấy đẹp vô cùng. Thử xong, mẹ bảo mang đi giặt phơi phóng cho khô để sáng mồng Một sẽ diện đi chơi Tết, nhưng tôi chỉ muốn gấp cất đi để cho bộ đồ được mới tinh tươm và thơm mùi vải mới. Ba ngày Tết thực sự là những ngày hội đối với lũ trẻ chúng tôi.
Ấy vậy mà Tết bây giờ, lũ trẻ ở thành phố như con gái tôi không còn háo hức diện quần áo đẹp, cũng chẳng mặn mà gì với bánh chưng, thịt đông vì ngày thường đã được mẹ mua cho ăn đầy đủ… Thứ mà lũ trẻ ngày nay quan tâm nhất trong những ngày Tết là tiền lì xì và không phải học bài. Khi mà mọi thứ quá đủ đầy như bây giờ, ngày Tết cũng giảm đi một phần sự thiêng liêng và ý nghĩa như thời chúng tôi. Đó là quy luật của sự phát triển xã hội nhưng tôi vẫn cảm thấy nhớ và tiếc lắm Tết xưa!
SÔNG LAM