Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nho Quan (Ninh Bình): Vì sao người dân bản Xăm gần 10 năm ròng khiếu kiện?

Thiên An - 09:32, 15/07/2020

Gần 10 năm qua, 16 hộ dân (chủ yếu là dân tộc Mường) sống ở bản Xăm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) kiên trì gõ cửa, gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, phản ánh về việc họ là những hộ dân tiên phong đi làm kinh tế mới, khai hoang phục hóa mảnh đất này từ năm 1995, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Đã có rất nhiều cuộc họp, các văn bản chỉ đạo và trả lời, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Ông Đoàn Xuân Hòa đang trao đổi sự việc với phóng viên
Ông Đoàn Xuân Hòa đang trao đổi sự việc với phóng viên

Tiếng dân

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đoàn Xuân Hòa, SN 1956, dân tộc Mường đại diện cho 16 hộ dân tại bản Xăm trình bày: Từ năm 2013 đến nay đã rất nhiều lần, các cấp từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo, yêu cầu giải quyết dứt điểm và cấp sổ đỏ đất khai hoang phục hóa cho chúng tôi. Theo đó, cũng đã rất nhiều lần UBND huyện Nho Quan, UBND xã Kỳ Phú yêu cầu chúng tôi kê khai, rồi xuống đo đạc đất, nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa được giải quyết!

Đặc biệt, trong đơn các hộ dân còn nêu, hiện nay, trên địa bàn xã Kỳ Phú đang tồn tại Công ty CP Giống bò thịt sữa Yên Phú (Công ty Yên Phú). Năm 2016, Công ty Yên Phú được UBND tỉnh Ninh Bình cấp đất để triển khai dự án nuôi bò thịt sữa, nhưng lại không hề có bất kỳ một cuộc họp để thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với các hộ dân đang sinh sống trên khu đất giao cho công ty. Hơn nữa, bao năm qua, Công ty Yên Phú không hoạt động, còn thế chấp đất này để vay tiền ngân hàng và khoán cho nhiều hộ dân trên địa bàn canh tác rồi thu phí. 

Công ty Yên Phú được miễn tiền thuê đất và miễn thuế đất nông nghiệp, nhưng lại thu thuế khoán của các hộ dân đang canh tác. Đặc biệt, nội dung đơn thư còn phản ánh, Công ty Yên Phú đang đào đất để bán lấy tiền, vi phạm nghiêm trọng Luật Khai thác khoáng sản… 

Để xác minh thông tin đơn thư, ngày 21/6/2020, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã về bản Xăm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan gặp gỡ những người dân nơi đây để tìm hiểu sự việc.

Ông Đoàn Xuân Hòa đại diện cho 16 hộ dân cho biết: “Chúng tôi được vận động đến vùng kinh tế mới từ những năm 1993 - 1995. Trong khi đất đai đang khiếu kiện tranh chấp, chúng tôi đề nghị không được giao đất cho đơn vị nào. Vậy mà UBND tỉnh Ninh Bình vẫn giao đất cho Công ty Yên Phú là không đúng”.

Cũng cùng quan điểm với ông Hòa, chị Phạm Hà Thu (là 1 trong 16 hộ dân) bức xúc: “Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét việc sử dụng đất của Công ty Yên Phú để thu hồi và giao cho người dân. Thực tế, các hộ di giãn dân không được thông báo và không được hưởng chính sách gì khi UBND tỉnh giao đất cho Công ty Yên Phú. Việc công ty lấy đất chúng tôi không được biết. Đề nghị các cấp chính quyền xem xét rà soát cụ thể để cấp lại sổ đỏ cho người dân”. 

Còn đất khai hoang phục hóa, căn cứ theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh. Diện tích đất Công ty Yên Phú quản lý sử dụng không hiệu quả, thu hồi giao cho địa phương quản lý, sử dụng. 

“Các gia đình chúng tôi thuộc hộ tái định cư, chứ không lấn chiếm, nhảy dù. Thuế đất đang được miễn, vậy Công ty Yên Phú thu của các hộ dân để làm gì? Căn cứ Điều 105, Luật Đất đai, thẩm quyền cấp sổ đỏ cho chúng tôi là UBND huyện. Vậy đề nghị UBND huyện tổng hợp và rà soát lại để cấp sổ đỏ cho chúng tôi”, chị Phạm Hà Thu bức xúc! 

Chính quyền có tỏ?

Chuồng nuôi bò của Công ty CP giống bò thịt sữa Yên Phú bỏ không
Chuồng nuôi bò của Công ty CP giống bò thịt sữa Yên Phú bỏ không

Ngày 29/6/2020, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan). Ông Lâm cho biết: Về vụ việc 16 hộ dân tại bản Xăm có kiến nghị, ông đã nắm được. Từ năm 2013 đến nay, UBND xã Kỳ Phú và UBND huyện Nho Quan… đã có nhiều buổi làm việc và đã ra các văn bản trả lời. 

Theo ông Vũ Đình Lâm, năm 2015, tiếp cận vụ việc, ông biết nguồn gốc đất là từ Nông trường Quốc doanh Phùng Thượng. 16 hộ là dân ở các nơi khác đến nông trường xây dựng vùng kinh tế mới. Mỗi hộ được nông trường giao bình quân 0,5ha. “Cơ bản” diện tích 0,5ha đã được cấp sổ đỏ. Bây giờ các hộ dân mong muốn được cấp riêng sổ đỏ phần đất mà họ khai hoang thêm (phần đất này vẫn đang nằm trong diện tích đất của Nông trường Quốc doanh Phùng Thượng, nay chuyển đổi thành Công ty Yên Phú).

Ông Lâm cũng thông tin, những năm từ 2013 - 2017, Công ty Yên Phú làm ăn tốt, nhập rất nhiều bò, nhưng không hiểu sao đến năm 2018, thì sản xuất thưa dần. Và tại thời điểm này, công ty không nuôi một con bò nào!. 

Vào ngày 22/6, trong buổi tiếp xúc cử tri xã Kỳ Phú, trả lời câu hỏi của cử tri về việc Công ty Yên Phú được UBND tỉnh Ninh Bình giao hơn 500ha đất, rồi Công ty lại giao khoán cho dân và thu phí 3 triệu đồng/ha/năm, như vậy có đúng không…? Ông Lâm trả lời rằng: Đối với thuế nông nghiệp UBND xã đã bãi bỏ từ lâu. Nhưng vì các hộ dân đang thầu lại đất của Công ty Yên Phú nên đây là thỏa thuận giữa người dân và Công ty. Xã không thể đánh giá được là thu có đúng không, hoặc thu cao hay thấp!

Để có thông tin đa chiều, khách quan tới bạn đọc, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của huyện Nho Quan, của tỉnh Ninh Bình và thông tin trong các số báo tiếp theo.

"Đối với thuế nông nghiệp UBND xã đã bãi bỏ từ lâu. Nhưng vì các hộ dân đang thầu lại đất của Công ty Yên Phú nên đây là thỏa thuận giữa người dân và Công ty. Xã không thể đánh giá được là thu có đúng không, hoặc thu cao hay thấp!”.

Ông Vũ Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.