Buộc phải giao UBND xã quản lý
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 10.813 hộ đồng bào DTTS, với khoảng 40.430 người sinh sống tập trung tại 33 xã thuộc 6 huyện; trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ còn cao. Cả tỉnh hiện có 1.594 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, chiếm tỷ lệ 15%; trong đó, có 7.000 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, thời gian qua, ngành Kiểm lâm đã tích cực chỉ đạo các đơn vị giao đất, giao rừng cho người dân. Cụ thể, ngành Kiểm lâm chỉ đạo các công ty TNHH lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng giao cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện theo Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Dự án JICA 2 và các nguồn vốn khác với tổng diện tích trên 102.023ha.
Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình giao đất, giao rừng cho người dân đang gặp khó khăn do chưa cấp sổ đỏ cho hộ được giao đất. Hiện nay, do không thể quản lý hết nên cơ quan chuyên môn buộc phải giao cho UBND xã quản lý đất rừng. Việc này kéo theo nhiều hệ lụy, bởi UBND xã vốn không có chức năng quản lý đất đai, năng lực quản lý rất hạn chế.
Theo ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tiến độ giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương còn chậm, đạt thấp. Nguyên nhân là do đất rừng quá rộng, muốn cấp cho người dân thì phải lập quy hoạch và thuê các đơn vị đo đạt, cắm mốc. Để làm được việc này, cần nguồn kinh phí lớn trong khi địa phương là huyện nghèo, thuộc diện 30a, hằng năm thu ngân sách rất ít nên việc cấp giấy chứng nhận cho người dân vẫn dậm chân tại chỗ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, thực tế khó khăn lớn nhất chính là chưa có kinh phí đo đạc đất rừng cấp cho đồng bào DTTS. Vì thế, việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho đồng bào DTTS vẫn chưa hoàn thành. Diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả còn nhiều. Nhiều nơi, đất rừng của các công ty lâm nghiệp còn bị người dân địa phương hoặc ngoài tỉnh lấn chiếm.
Trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành thu hồi được 5.486ha đất do các công ty lâm nghiệp quản lý để giao cho người dân không có đất sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã giao hơn 536ha rừng cho địa phương quản lý và sẽ tiếp tục giao trả cho địa phương hơn 1.450ha rừng để giao cho người dân sản xuất trong thời gian tới. Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh cũng đã giao hơn 2.000ha cho địa phương quản lý và cấp lại cho người dân thiếu đất.
“Hiện Sở TN&MT đã trình Bộ TN&MT và được cấp 11 tỷ đồng kinh phí đo đạc bản đồ, cắm mốc đất rừng để giao cho địa phương giao lại người dân chưa có đất sản xuất. Nhờ đó, các sở, ban, ngành đã tiến hành đo đạc xong hơn 5.486ha để giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu 6 địa phương có đồng bào DTTS sinh sống phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục kê khai và cuối tháng 12 hoàn thành việc giao đất rừng cho dân”, ông Châu cho biết thêm.